Theo báo cáo công bố từ Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất công nghiệp trên cả nước trong quý 4 có xu hướng tăng chậm lại, khi tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo này cho biết cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước (cụ thể quý 1 tăng 7,16%; quý 2 tăng 9,51%; quý 3 tăng 11,06% và quý 4 tăng 3,6%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo có tốc độ tăng cao nhất với 8,1%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
[GDP năm 2022 tăng 8,02%: Mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022]
Kế đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm và ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trên cơ sở đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 4 ghi nhận mức tăng 3%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022. Báo cáo chỉ ra nguyên nhân của sự giảm sút này là do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2022 ghi nhận mức tăng 7,8% so với năm 2021, trong đó 61 địa phương có chỉ số tăng và hai địa phương khác là Hà Tĩnh giảm 16,5%, Trà Vinh giảm 24,1%.
Nhìn chung, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 vẫn tăng 7,1% so với năm 2021 và chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 13,9% cùng thời điểm năm trước. Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%). Bên cạnh đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước./.