Hoạt động sản xuất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 7, lần tăng trưởng đầu tiên kể từ đầu năm 2019, mang lại thêm hy vọng về triển vọng phục hồi của lĩnh vực này sau “cơn bão” đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Việc hơn 18 triệu người mắc COVID-19 cùng với chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội được áp đặt tại một loạt các quốc gia nhằm khống chế dịch bệnh lây lan đã để lại những tác động tàn phá đối với tăng trưởng toàn cầu, đồng thời đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh các ca mắc vẫn không ngừng gia tăng, trong khi nguy cơ tái áp đặt các lệnh phong tỏa ngày một hiện hữu, triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu càng trở nên ảm đạm.
Tuy nhiên, bất chấp việc nền kinh tế Eurozone ghi nhận mức giảm 12,1% trong quý I, một cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Reuters của Anh thực hiện dự đoán nền kinh tế của khu vực này sẽ tăng trưởng 8,1% trong giai đoạn hiện tại. Các nhà máy dường như đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phục hồi tiềm năng của Eurozone.
Chỉ số Nhà quản lý thu mua (PMI) - chỉ số đo lường "sức khỏe" kinh tế của ngành sản xuất của khu vực mới nhất do HIS Markit công bố ngày 3/8 đã tăng lên 51,8 điểm trong tháng 7 từ mức 47,4 điểm trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 1/2019. Nếu chỉ số PMI xuống dưới 50 điểm, nền kinh tế đó bị đánh giá là đang suy giảm.
Ông Peter Dixon thuộc ngân hàng Commerzbank nhận định đây là tín hiệu tích cực và nền kinh tế đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, với những lo ngại ngày một tăng về làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, chuyên gia này cho rằng “những cơn gió ngược ập đến nền kinh tế châu Âu vẫn còn khá mạnh.”
[Thế giới trước bài toán khôi phục việc làm thời COVID-19]
Trong khi đó, tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ khi nhu cầu trong nước được cải thiện. Chỉ số PMI do Caixin/Markit của Trung Quốc công bố đã tăng lên 52,8 điểm trong tháng 7 từ mức 51,2 điểm vào tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp lĩnh vực này ghi nhận tăng trưởng và là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ tháng 1/2011. Hoạt động sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng trên 50 điểm, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với thiết bị làm việc tại nhà.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất song ở tốc độ chậm hơn, phần nào giảm nhẹ áp lực đối với các nhà sản xuất cũng như làm tăng hy vọng về tác động tồi tệ nhất do dịch COVID-19 đã qua. Tuy nhiên, tình trạng ảm đạm trong hoạt động nhà máy tại Ấn Độ trong bối cảnh nước này tái áp đặt biện pháp phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan vẫn là một trong những gam màu xám trong bức tranh hoạt động sản xuất toàn cầu.
Nhà kinh tế Wellian Wiranto thuộc Ngân hàng OCBC nhân định trong khi chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất trên hầu khắp khu vực đang hướng tới sự ổn định sau cú sốc trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 5, “con đường phía trước vẫn còn gập ghềnh”./.