Hoạt động sản xuất tại Anh trì trệ nhất trong vòng 3 năm qua

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Anh chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng 3 năm qua do sự sụt giảm cả về số lượng các đơn hàng xuất khẩu lẫn nhu cầu hàng hóa tiêu dùng.
Hoạt động sản xuất tại Anh trì trệ nhất trong vòng 3 năm qua ảnh 1Bên trong một nhà máy ở Anh. (Nguồn: PA)

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Anh trong tháng 4/2016 đã chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng 3 năm qua do sự sụt giảm cả về số lượng các đơn hàng xuất khẩu lẫn nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu công bố ngày 3/5 của công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính Markit cho biết Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) của Anh trong tháng 4 giảm còn 49,2 điểm, thấp hơn mức 50 điểm, đánh dấu ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.

Trước đó, hồi tháng Ba, ngành sản xuất Anh vẫn tăng trưởng với PMI đạt 50,7 điểm.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của Markit, ông Rob Dobson, cho biết đây là lần đầu tiên PMI của Anh tụt xuống dưới 50 điểm trong vòng 3 năm qua, phản ánh tình trạng ngành sản xuất Anh tiếp tục đi xuống khi chỉ vừa mới bước vào quý 2.

Trong khi đó, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm trong tháng thứ tư liên tiếp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm. Sự sụt giảm này được ghi nhận rõ rệt nhất tại các doanh nghiệp sản xuất thiết bị cho các dự án khai mỏ và cơ sở hạ tầng quốc tế.

Cũng theo ông Dobson, các số liệu trên cho thấy tỷ lệ sụt giảm của lĩnh vực sản xuất ở Anh là 1% mỗi quý.

Điều này có thể tiếp tục gây khó khăn cho toàn nền kinh tế trong quý 2 và đặt áp lực duy trì tăng trưởng GDP lên lĩnh vực dịch vụ.

Ngoài ra, Markit nhận định tình trạng thiếu việc làm cũng gián tiếp tác động đến sự sụt giảm sản xuất.

Gần 20.000 người lao động tại Anh đã mất việc làm trong 3 tháng vừa qua, hầu hết là tại các nhà tuyển dụng lớn.

Nhà kinh tế hàng đầu tại Hiệp hội Các nhà sản xuất Anh (EEF), bà Lee Hopley, nhấn mạnh số việc làm bị mất là "dấu hiệu rõ rệt nhất" cho thấy nền kinh tế Anh đã bắt đầu bị tác động bởi tình trạng bất an trước cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, bà Hopley cho rằng đây chỉ là một trong những khó khăn mà kinh tế Anh đang phải đối diện.

Một số nhà kinh tế khác đổ lỗi cho các biện pháp khắc khổ mà Chính phủ Anh đang thực hiện khiến chi tiêu công bị cũng như thu nhập của các hộ gia đình bị cắt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục