Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trở lại ngoài dự báo

Chỉ số PMI của Trung Quốc đạt mức 50.2, cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng cục Thống kê nhà nước Trung Quốc (NBS) ngày 30/11 công bố các số liệu cho thấy Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) trong tháng 11 này đã tăng trưởng trở lại ngoài mọi dự báo, đạt mức 50.2, con số cao nhất kể từ tháng Ba năm nay.

Chỉ số này tăng trong bối cảnh nhu cầu nội địa được thúc đẩy nhờ các biện pháp kích thích tiêu dùng của chính phủ nước này nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Chỉ số PMI trên cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thực sự mạnh và nhu cầu xuất khẩu vẫn chậm chạp trong bối cảnh Mỹ tiếp tục dọa đánh thuế bổ sung trong thời gian tới và hai bên vẫn chưa đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

PMI tăng cho thấy tiêu dùng nội địa đang vững chắc hơn sau khi Bắc Kinh liên tiếp kêu gọi chính quyền các địa phương đưa ra các gói kích cầu nội địa nhằm đạt mục tiêu kinh tế trước khi kết thúc năm 2019.

Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch trái phiếu đặc biệt năm 2020 cho các chính quyền địa phương lên mức 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 142 tỷ USD) và kêu gọi các địa phương phát hành cũng như nhanh chóng sử dụng.

Theo các chuyên gia phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ trung ương đang lo lắng trước các sức ép đối với nền kinh tế. Những bất trắc trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện phủ bóng lên triển vọng nhu cầu xuất khẩu.

Các đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 11 đã giảm 18 tháng liên tiếp, dù đà giảm đã chậm hơn.

[Lạm phát của Trung Quốc lên mức cao nhất kể từ năm 2012]

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp đạt một thỏa thuận thương mại giai đoạn một, song Nhà Trắng lại cho rằng việc này có thể bị lùi đến năm 2020 vì Trung Quốc đang gây sức ép yêu cầu Mỹ dỡ bỏ nhiều loại thuế.

Thời hạn chót áp thuế tiếp theo mà Mỹ đặt ra là ngày 15/12 tới, theo đó thuế sẽ lên tới 15% đối với 156 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cũng theo số liệu của NBS, các xưởng sản xuất đang tiếp tục cắt giảm nhân công trong tháng 11 dù lòng tin kinh doanh đã tăng nhẹ.

Chỉ thị của Bắc Kinh về việc chuyển nhiều tiền cho vay ngân hàng đến cho các công ty tư nhân nhỏ dường như đã phát huy tác dụng.

Chỉ số PMI của khối doanh nghiệp này đã tăng mạnh nhất trong tháng 11 này, so với các công ty cỡ vừa và lớn.

Trong tháng 11 này, hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng nhanh. PMI của lĩnh vực này đạt 54.4, cao hơn mức 52.8 trong tháng trước đó.

Một lĩnh vực dịch vụ hùng mạnh sẽ giúp Bắc Kinh "dễ thở" hơn khi lĩnh vực sản xuất đang phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lượng cầu cả trong và ngoài nước.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc dự kiến giảm xuống 6,2% trong năm 2019, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua và sau đó sẽ còn 5,9% vào năm 2020.

Với việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và lợi nhuận từ công nghiệp giảm, có nhiều nhận định rằng Bắc Kinh cần phải tung ra thêm nhiều gói kích cầu mới mạnh hơn và nhanh hơn dù việc này đặt ra nguy cơ không nhỏ về nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục