Hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 6 tháng qua do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và các vấn đề logistics bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19 khiến giá hàng hóa đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai thập niên.
Theo báo cáo mới nhất được Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố ngày 4/11, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng tổng hợp nhanh (PMI)-một chỉ dấu về sức khỏe của nền kinh tế Eurozone-đã giảm xuống 54,2 trong tháng 10 so với mức 56,2 trong tháng 9.
Tăng trưởng được ghi nhận khi chỉ số này từ 50 trở lên. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 54,6 trong tháng 10, từ mức 56,4 trong tháng 9 nhưng vẫn trên mốc 50.
Bà Jessica Hinds thuộc Capital Economics nhận định các chỉ số PMI cho thấy sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone sẽ giảm tốc rõ rệt trong quý IV do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng ngày càng gia tăng trong toàn khu vực, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất. Những chỉ số này cũng cho thấy áp lực giá cả đang tăng lên.
[Eurozone duy trì đà phục hồi mạnh mẽ sau tác động của COVID-19]
Hoạt động sản xuất của Eurozone dù diễn ra mạnh mẽ trong tháng 10, song vẫn bị hạn chế do tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Theo cuộc khảo sát được công bố ngày 2/11, tình trạng tắc nghẽn này đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao và chỉ số giá đầu vào tổng hợp tăng từ mức 70,9 lên mức 73,2, mức cao nhất kể từ khi khảo sát được tiến hành vào giữa năm 1998.
Những hạn chế về nguồn cung đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong tháng thứ ba liên tiếp. Pháp, Tây Ban Nha và Italy cũng chịu tình cảnh tương tự./.