Hoạt động Gìn giữ Hòa bình LHQ với những đóng góp đối ngoại quốc phòng

Việc tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Đội Công binh số 1 chuẩn bị các phương tiện xe, máy trước ngày lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 đến nay đã góp phần khẳng định và cụ thể chủ trương hội nhập quốc tế, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam; qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt Nam, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bộ Quốc phòng xác định đặt việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong sự quản lý thống nhất về đối ngoại quốc phòng, là một nội dung triển khai cụ thể công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng, nhằm phát huy hơn nữa quan hệ quốc phòng cả song phương và đa phương.

Trong quá trình tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, việc Việt Nam chủ động lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai phù hợp với điều kiện và khả năng của ta, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, đã phản ánh phương châm hội nhập quốc tế về quốc phòng của đất nước, đó là “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.”

Điều này thể hiện qua việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình với hình thức cá nhân trước, vừa triển khai, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tiến tới cử hình thức đơn vị, bao gồm Bệnh viện dã chiến cấp hai tới Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) vào năm 2018 và Đội Công binh tới Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) vào năm 2022.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đóng góp hết sức quan trọng vào công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng trên các mặt. Hoạt động này đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; nâng cao năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

[Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam với đóng góp đối ngoại nhân dân]

Đồng thời, thông qua việc triển khai thành công Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã khẳng định cam kết và trách nhiệm của mình đối với việc thúc đẩy hòa bình, an ninh của khu vực, thế giới; xây dựng lòng tin với các đối tác và bạn bè quốc tế, đóng góp thực chất cho nỗ lực chung vì hòa bình của cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao, đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam trúng cử cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục và đảm nhiệm thành công cương vị này trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Triển khai nội dung hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đã chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan lồng ghép các nội dung về gìn giữ hòa bình vào các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao giữa Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu với các đối tác nước ngoài, qua đó từng bước thể chế hóa các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này.

Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết Bản Ghi nhớ song phương về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với 9 nước đối tác. Việt Nam cũng ký Hiệp định khung và Bản Ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật với Liên minh châu Âu, liên quan đến hợp tác về gìn giữ hòa bình.

Trong quá trình chuẩn bị và triển khai lực lượng, thông qua kênh hợp tác quốc phòng song phương, nhiều đối tác đã hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Xuất phát từ công tác bám nắm, tham mưu đối với từng địa bàn, trên cơ sở xác định năng lực và mức độ thân thiện của các đối tác, các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đã tham mưu, đề xuất đúng, trúng cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về các lĩnh vực cụ thể cần thúc đẩy trong tổng thể hợp tác về gìn giữ hòa bình, đặc biệt đối với những lĩnh vực ta còn thiếu, chưa có kinh nghiệm.

Nổi bật là việc các nước hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ cho cán bộ, sỹ quan Việt Nam (tiếng Anh, tiếng Pháp); Anh bàn giao cho Việt Nam toàn bộ cơ sở hạ tầng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan); Hoa Kỳ tặng bộ trang bị dùng cho huấn luyện Bệnh viện dã chiến cấp 2; Australia thường xuyên đưa máy bay vận tải sang Việt Nam vận chuyển các đội hình Bệnh viện dã chiến sang triển khai tại UNMISS...

Với những kết quả nổi bật qua hơn 8 năm tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có thể khẳng định hoạt động này đã trở thành một nội dung không thể tách rời trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, phục vụ các mục tiêu của đối ngoại quốc phòng, mà cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo môi trường quốc tế thuận lợi, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước, nhất là các nước có tiềm năng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Để việc tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc đạt hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục tranh thủ tối đa trong các mối quan hệ song phương, cũng như trên các diễn đàn đa phương với các đối tác, nhất là các đối tác có năng lực, kinh nghiệm để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng của Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Đây cũng là bước đi thiết thực để góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục