Giới giao dịch và các nhà phân tích nhận định việc Trung Quốc tăng cường lượng dầu dự trữ và các nước tăng cường mua dầu do lo ngại tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển tại Biển Đỏ leo thang sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu toàn cầu và giá dầu trong ngắn hạn.
Lượng dầu dự trữ toàn cầu đã giảm xuống thấp hơn mức trung bình trong lịch sử kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine làm dịch chuyển các dòng thương mại dầu và khiến giá dầu tăng lên trên mức 100 USD/thùng vào năm 2022.
Vào cuối năm ngoái, khi giá dầu rời khỏi các mức cao hơn 95 USD/thùng vào tháng Chín, Trung Quốc đã tận dụng giá dầu giảm vào quý 4/2023 để bổ sung lượng dầu dự trữ.
Theo tính toán của chuyên gia Clyde Russell của hãng Reuters, chỉ riêng trong tháng 12 năm ngoái, ước tính Trung Quốc đã tăng cường dự trữ dầu với tốc độ cao nhất trong sáu tháng.
Khi giá dầu giảm khoảng 20% trong tháng Một năm nay từ mức cao nhất trong năm ngoái là 98 USD/thùng, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã có nhiều động lực hơn để tăng cường nhập khẩu dầu vào đầu năm nay, nhất là khi giá dầu ở mức khoảng 75 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, thời điểm đó, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang tìm cách tăng cường dự trữ dầu sớm trong năm, khi giá dầu ở dưới 80 USD/thùng, với dự đoán nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.
Không chỉ Trung Quốc đang tăng cường dự trữ dầu trong năm nay, mà cả Mỹ và châu Âu cũng đang có nhu cầu cao hơn, khi các nước mua dầu đang ngày càng lo ngại về khả năng hoạt động vận chuyển dầu ở Trung Đông suy giảm.
Nhu cầu gia tăng đối với các nguồn cung dầu thô ở gần châu Âu đang đẩy giá dầu của Nigeria và Mỹ tăng lên và làm gia tăng tình trạng giá dầu Brent giao ngay cao hơn giá dầu kỳ hạn, hay còn gọi là tình trạng bù hoãn bán./.
Dầu thế giới rớt giá sau thông tin kho dự trữ ở Mỹ bất ngờ tăng
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tại thị trường dầu mỏ hàng đầu thế giới này.