Từ ngày 29-30/5, tại Tokyo, Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 25 và cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hội đàm và đồng chủ trì Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 11.
Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 25
Tham dự hội nghị lần này có lãnh đạo cấp cao và đại diện các bộ, ngành của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Campuchia, Bangladesh, Malaysia, Lào, Philippines, Brunei, Indonesia, Myanmar, Mông Cổ, Thái Lan, Singapore.
Hơn 500 các học giả và đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế cũng đã tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Đi tìm trật tự thế giới mới để thoát khỏi hỗn loạn,” hội nghị đã thảo luận về các xu thế phát triển mới, các vấn đề có tác động lớn đến tương lai của châu Á và thế giới như quan hệ thương mại Mỹ-Trung, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sự chuyển dịch của cơ cấu kinh thế giới và trật tự thế giới, phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các đại biểu cũng trao đổi về vai trò của các quốc gia châu Á trong quá trình xây dựng trật tự thế giới mới và đề xuất nhiều giải pháp giúp các chính phủ và doanh nghiệp châu Á ứng phó với những chuyển biến nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới hiện nay.
Hội nghị cho thấy nguyện vọng chung của các nước về duy trì hòa bình, ổn định để tiếp tục những thành tựu quan trọng mà châu Á đã đạt được trong những thập kỷ qua.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, một trật tự quốc tế đa chiều đang từng bước định hình và toàn cầu hóa cũng dần chuyển sang giai đoạn mới.
Kinh tế thế giới cùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng thương mại, tình trạng trì trệ của thương mại quốc tế, biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ, tâm lý phản toàn cầu hoá và các điểm nóng toàn cầu.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng các quốc gia có có cơ sở để lạc quan, dù là thận trọng, về tương lai kinh tế của châu Á nhờ sự năng động, sáng tạo, mức độ kết nối ngày càng cao, và bởi các động lực căn bản cho tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phát triển.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng với tiềm lực to lớn của mình, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đã đến lúc châu Á có tiếng nói và vai trò lớn lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Vì lợi ích của chính mình và của cả thế giới, các quốc gia châu Á phải đi đầu, thúc đẩy hợp tác hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp tác, bền vững và hiệu quả hơn.
Theo đó, các quốc gia châu Á cần:
(i) Đẩy mạnh tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các sáng kiến kết nối khu vực;
(ii) Đề cao chủ nghĩa đa phương bao trùm và quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực và luật pháp quốc tế;
(iii) Khuyến khích cách tiếp cận mới lấy con người làm trung tâm để có được sự phát triển hài hòa.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhật Bản cho sự phát triển của châu lục trong những thập kỷ qua; hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới; và ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản về hạ tầng chất lượng cao, về kết nối khu vực.
Phó Thủ tướng cho rằng thế giới đang trong giai đoạn quá độ hướng tới một trật tự thế giới mới và điều này không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn trật tự cũ, nhất là khi các thành tố căn bản của trật tự dựa trên luật lệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
[Nhật Bản đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực]
Một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả cần đáp ứng các tiêu chuẩn:
(i) Củng cố chủ nghĩa đa phương bao trùm, tăng cường lòng tin và hợp tác, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức lớn của thế kỷ 21;
(ii) Được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên hợp quốc là trung tâm. Tất cả các quốc gia, dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; nước lớn không được dùng sức mạnh để chèn ép nước yếu hơn; tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ giữ được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa các tập hợp lực lượng nước lớn;
(iii) Cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng cũng nêu bật các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhằm vượt quá thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển mới như:
(i) Nâng cao nội lực của nền kinh tế và củng cố các nền tảng kinh tế vĩ mô;
(ii) Tiếp tục cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam;
(iii) Đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào ngành công nghệ cao, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế;
(iv) Tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Cuộc gặp với Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith
Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bày tỏ phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith chúc mừng những thành tựu quan trọng về đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội mà Việt Nam đạt được thời gian qua và bày tỏ mong muốn các bộ ngành hai nước tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Hai bên cũng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy triển khai các dự án kết nối chung, và tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp của nhau.
Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 11 và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono
Tại phiên họp, hai bên đã rà soát những kết quả đạt được kể từ cuộc họp Ủy ban hợp tác lần thứ 10, vui mừng nhận thấy đã có những tiến triển cụ thể với việc ký kết một loạt các thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông sản, triển khai chính sách biển và đại dương, phòng cháy chữa cháy, định hướng hợp tác trong công nghiệp quốc phòng….
Trên tinh thần xây dựng, tin cậy, hai bên đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất.
Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế trao đổi, đối thoại giữa Chính phủ và các Bộ, ngành hai nước.
Hai bên thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác ODA, nhất trí tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên tinh thần hai bên cùng có lợi thông qua thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp.
[Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế]
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị phía Nhật Bản đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh Nhật Bản cho công dân Việt Nam.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong tiếp nhận lao động, thực tập sinh Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các cơ sở phái cử, tiếp nhận, môi giới lao động và lưu học sinh vi phạm pháp luật của cả Việt Nam và Nhật Bản, tích cực thúc đẩy để có thể sớm ký kết Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Bộ trưởng Ngoại giao Kono đánh giá cao quyết tâm đổi mới, cải cách hành chính của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi phát triển kinh tế; khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thông tin viễn thông.
Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, thúc đẩy các liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Ngoại giao Kono đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản và sẽ là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chào xã giao Thủ tướng Shindo Abe, Chủ tịch Hạ viện Oshima Tamadori, Chủ tịch Thượng viện Date Chuichi, có các cuộc gặp với Trưởng Ban Chính sách đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Kishida Fumio, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Kitaoca Shinichi.
Tại cuộc chào xã giao Thủ tướng Abe, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà Vua Naruhito lên ngôi, mở ra thời kỳ Reiwa (Lệnh Hòa); bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị; khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.
Thủ tướng Abe hoan nghênh kết quả của Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 11; khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực và sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển, đồng thời cho rằng cộng đồng hơn 300.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Abe cũng đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội tháng Hai vừa qua, đồng thời cho rằng với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ vì thành công của Hội nghị cấp cao G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản tháng Sáu tới.
Tại cuộc chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tamadori và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Date Chuichi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản tiếp tục quan tâm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội hai nước, nhất là giữa các nghị sỹ trẻ; đề nghị Quốc hội Nhật Bản ủng hộ Chính phủ Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tamadori bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đánh giá cao vai trò, vị thế và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội hai nước và tạo môi trường thuận lợi cho công dân Việt Nam làm việc, học tập tại Nhật Bản.
Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Date Chuichi bày tỏ vui mừng trước việc Nhật Bản 2 năm liên tiếp là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, khẳng định sẽ quan tâm thúc đẩy giao lưu giữa các cơ quan quốc hội hai nước, đặc biệt là giữa các nghị sỹ trẻ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp Trưởng Ban Chính sách Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Kishida Fumio, hiện cũng đang là Tổng thư ký Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt, ông Kishida Fumio bày tỏ mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng cầm quyền cũng như giữa nghị sỹ Quốc hội hai nước, đặc biệt là giữa hai Liên minh Nghị sỹ hữu nghị.
Tại cuộc tiếp Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Kitaoca Shinichi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp nguồn vốn ODA, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp nguồn vốn ODA một cách hiệu quả, thiết thực trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu.
Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục hợp tác tích cực để triển khai hiệu quả các dự án ODA tại Việt Nam./.