Ngành chế tạo của Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái sâu nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 12/2019, khi cuộc chiến thương mại giữa nước này với Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới sản lượng, đơn đặt hàng và việc làm của lĩnh vực này.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số hoạt động của các nhà máy tại Mỹ đã giảm xuống 47,2 vào tháng trước so với mức 48,1 ghi nhận hồi tháng 11/2019. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp ngành chế tạo Mỹ suy giảm.
Vào cùng giai đoạn, chỉ số về sản lượng giảm gần 6 điểm và cùng với chỉ số đơn đặt hàng mới rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019. Chỉ số tuyển dụng nhân công cũng giảm 1,5 điểm trong khi chỉ số giá tăng 5 điểm.
Những số liệu kém sáng trên đã dập tắt những kỳ vọng về việc tốc độ suy giảm của lĩnh vực chế tạo Mỹ sẽ chững lại phần nào.
Trong một tuyên bố, ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban khảo sát hoạt động ngành chế tạo của ISM, cho biết thương mại toàn cầu vẫn là vấn đề xuyên suốt quan trọng nhất. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy một số ngành công nghiệp sẽ cải thiện hơn nhờ Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.
Ngành chế tạo Mỹ đã chịu nhiều áp lực trong nửa cuối năm 2019, do tranh chấp thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đã thu hẹp dòng chảy hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào tháng trước, hai bên tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết thỏa thuận sẽ được ký vào ngày 15/1 tại Washington. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giai đoạn hai bao trùm nhiều vấn đề rộng hơn sẽ sớm bắt đầu.
Ngoài các cuộc xung đột thương mại, việc nhà sản xuất máy bay Boeing không thể đưa máy bay 737 MAX trở lại hoạt động có thể là một yếu tố quan trọng, nhất là khi doanh nghiệp này nằm trong ngành công nghiệp thiết bị vận tải vốn yếu nhất trong sáu ngành công nghiệp lớn. Boeing tháng trước đã thông báo ngừng sản xuất mẫu máy bay trên cho đến khi các cơ quan quản lý cho phép nó bay trở lại. Theo ông Fiore, đó có thể là một "cơn gió ngược" cho ngành này trong thời gian tới.
Song bất chấp những số liệu trên, ông Fiore cho rằng sự thu hẹp của ngành chế tạo Mỹ vẫn còn tương đối “nông” và chỉ số đo lường nêu trên vẫn trong phạm vi hoặc suy giảm hoặc mở rộng nhẹ.
Thông thường, các chỉ số chính sẽ phải giảm xuống dưới mức 43 mới được coi là dấu hiệu của nguy cơ suy thoái kinh tế. Sự yếu kém trong lĩnh vực chế tạo là một trong những mối lo ngại khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2019, mặc dù hiện ngân hàng trung ương này đã đánh đi tín hiệu tạm ngừng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông cảm thẩy “hài lòng” khi nền kinh tế đang trong "thể trạng tốt./.