Hoạt động chế tạo tháng Sáu của Mỹ giảm tốc do căng thẳng thương mại

Chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ đã giảm xuống 51,7 trong tháng Sáu, mức thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 10/2016, so với mức 52,1 trong tháng Năm.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô tại nhà máy sản xuất xe Ford ở Wayne, Michigan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hoạt động chế tạo của Mỹ tăng trưởng chậm lại, xuống gần mức thấp của ba năm trong tháng Sáu, với lượng đơn đặt hàng mới mà các nhà máy nhận được giảm, giữa bối cảnh những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng.

Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) ngày 1/7 cho biết chỉ số hoạt động chế tạo của nước này đã giảm xuống 51,7 trong tháng Sáu, mức thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 10/2016, so với mức 52,1 trong tháng Năm. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm.

Tuy vậy, chỉ số này vẫn trên ngưỡng 50 thể hiện sự tăng trưởng của hoạt động chế tạo, vốn đóng góp 12% GDP của Mỹ. Theo ISM, các doanh nghiệp đã “bày tỏ sự quan ngại về bất ổn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc,” cũng như khả năng Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.

[Căng thẳng thương mại có thể đang tác động đến kinh tế Mỹ]

Ngành chế tạo cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng hàng tồn kho gia tăng do lượng đơn đặt hàng mới ít hơn. Sự sụt giảm trong sản lượng máy bay MAX 737 của Boeing sau hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng trong vòng năm tháng cũng đã tác động đến hoạt động chế tạo.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy hoạt động chi tiêu xây dựng đã bất ngờ giảm 0,8% trong tháng Năm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2018, trong đó đầu tư vào các dự án xây dựng tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm rưỡi qua. Con số trên trái ngược với mức tăng 0,4% ghi nhận được trong tháng Tư.

Những số liệu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 2 sau khi đón nhận mức tăng tạm thời từ xuất khẩu và có thể là lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét cắt giảm lãi suất trong tháng này.

Tháng trước, ngân hàng trung ương nước này đã đánh đi tín hiệu rằng họ có thể nới lỏng chính sách tiền tệ ngay từ đầu tháng Bảy, viện dẫn lạm phát thấp cũng như những rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về một thỏa thuận “đình chiến” thương mại và quay trở lại đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rằng ông “không vội vàng” trong việc đạt một thỏa thuận và truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo không có gì đảm bảo sẽ đạt được một thỏa thuận.

Hồi tháng Năm, Tổng thống Trump đã tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, qua đó buộc Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trả đũa tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục