Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, hoạt động chế tạo trong tháng Một của nước này giảm mạnh nhất trong gần ba năm rưỡi, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khởi đầu năm 2016 một cách thiếu động lực và làm tăng khả năng các biện pháp kích thích ngắn hạn sẽ được thực hiện.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) theo khảo sát chính thức ở mức 49,4 điểm trong tháng Một, so với 49,7 điểm của tháng trước và dưới 50 điểm - mốc phân định giữa tăng trưởng và suy giảm trên cơ sở hàng tháng.
Số liệu PMI này là thấp nhất kể từ giữa tháng 8/2012, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp hoạt động chế tạo giảm và cho thấy sức ép lớn đối với lĩnh vực chế tạo đến từ tình trạng giảm giá và dư thừa công suất trong các lĩnh vực chủ chốt, trong đó có năng lượng và sản xuất thép.
Trong khi đó, PMI lĩnh vực chế tạo theo khảo sát của Markit và Caixin cũng cho thấy sự sa sút của lĩnh vực này.
Cả hai khảo sát đều cho thấy nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn yếu và các công ty tiếp tục sa thải nhân công.
Việc Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm công suất sản xuất thép 100-150 triệu tấn sẽ dẫn tới việc sa thải 400.000 việc làm.
Theo Giám đốc Greater China Economic Research, thuộc ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong), Ding Shuang, để duy trì nhịp độ tăng trưởng trên 6,5% trong năm nay, nền kinh tế Trung Quốc cần sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn.
Ông Ding Shuang cho rằng có thể có sự hỗ trợ bổ sung từ các ngân hàng chính sách, nhưng có ít dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 tụt xuống 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm, gây thêm sức ép lên các nhà hoạch định chính sách vốn đã không dễ dàng trong việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau sự lao dốc của các thị trường chứng khoán và sự biến động của đồng nhân dân tệ./.