Hoạt động chế tạo của Mỹ khởi sắc trong tháng 10 với mức tăng 0,4%

Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hoạt động chế tạo của nước này đã khởi sắc trong tháng 10 với mức tăng 0,4% lần đầu tiên sau ba tháng khi các nhà máy tăng cường sản xuất thép, ôtô và máy vi tính.
Nhập mô tả cho ảnhLắp ráp xe tải tại Nhà máy của GM ở Flint, bang Michigan, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương), hoạt động chế tạo của nước này đã khởi sắc trong tháng 10 với mức tăng 0,4% lần đầu tiên sau ba tháng, trong bối cảnh các nhà máy tăng cường sản xuất thép, ôtô và máy vi tính.

Tin vui này đến khi các nhà sản xuất Mỹ dường như đã “lấy lại tinh thần” sau khi phải đối mặt với một loạt những khó khăn. Từ đầu năm nay, các hãng bán lẻ và bán buôn đã cắt giảm số lượng hàng dự trữ trong kho vì họ đã đặt quá nhiều hàng từ mùa Đông năm ngoái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, việc đồng USD mạnh lên cũng khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn tại các thị trường nước ngoài, khiến các công ty xuất khẩu “điêu đứng.”

Mặc dù hoạt động chế tạo có cải thiện, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng USD mạnh lên sẽ còn tiếp tục kéo dài, đặc biệt nếu Fed quyết định tăng lãi suất trong năm nay.

Do đó, chuyên gia Ian Shepherdson thuộc hãng cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận định những số liệu tích cực được ghi nhận trong tháng 10 vẫn chưa phải là dấu hiệu cho thấy một sự phục hồi kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chi tiêu tiêu dùng trong nước có thể “bù đắp” phần nào với doanh số bán xe ôtô tại Mỹ tăng mạnh 14% trong tháng 10, qua đó báo hiệu một năm “bội thu” cho ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng trở nên sôi động hơn với nhiều khu nhà, căn hộ, văn phòng và các tòa nhà thương mại được xây dựng, làm gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế tạo.

Ngoài thông tin về hoạt động chế tạo, Bộ Lao động Mỹ cũng vừa công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng trước cũng tăng sau khi giảm liên tục trong hai tháng.

Cụ thể, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 0,2% trong tháng 10/2015 so với một tháng trước đó, qua đó cho thấy lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu khả quan hơn. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI cũng được cải thiện 0,2%.

Những thông tin này đã một lần nữa củng cố những đồn đoán về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất từ mức thấp nhất trong lịch sử trong năm nay.

Thông tin chỉ số CPI được cải thiện là một tin vui đối với các quan chức Fed, giúp họ có thêm tự tin rằng lạm phát sẽ dần tiến tới mức mục tiêu 2% đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục