Andrew Lee có vẻ ngoài như một chàng hoàng tử, nhưng theo một cách hiện đại và giàu chất công nghệ hơn là hình ảnh vương miện và quyền trượng truyền thống thường thấy.
Hai tai anh đeo những chiếc khuyên dạng hạt bằng kim cương, những lọn tóc xoăn dài ngang vai được giấu dưới một chiếc mũ bóng chày có phần lưỡi trai phẳng theo phong cách hiphop và hàng chữ "Handshake Hodler" - những thuật ngữ được sử dụng trong văn hóa công nghệ chuỗi khối và mã hóa.
Tình cờ, người đàn ông 34 tuổi này cũng là vị hoàng tử vừa được sắc phong và sẽ là người thừa kế ngai vàng của Hoàng gia Triều Tiên.
Trước lễ sắc phong hồi tháng 10 vừa qua, Lee vẫn sống cuộc sống điển hình như bao người Mỹ gốc Hàn khác. Anh làm chủ một công ty công nghệ và cùng vợ chăm lo cho hai đứa con ở vùng ngoại ô Las Vegas, nơi cả gia đình mới chuyển tới từ Los Angeles.
Nhưng như một cao trào bất ngờ thường thấy trong vô số bộ phim truyền hình Hàn Quốc, cuộc sống của Lee đã thay đổi cách đây 5 năm, khi anh phát hiện ra mình có liên quan tới Yi Seok, vị "hoàng đế trên danh nghĩa" của Triều Tiên, người tự nhận rằng mình là người thừa kế còn lại của vương triều Joseon, chế độ quân chủ cuối cùng cai trị bán đảo Triều Tiên trong suốt hơn 5 thế kỷ từ năm 1392 đến năm 1897.
Lee được sinh ra và lớn lên ở Indianapolis, thủ phủ của bang Indiana, dọc theo vành đai đầy bụi đất là nơi thống trị của những cánh đồng ngô và các hoạt động thuộc ngành nông nghiệp khác. Anh nói rằng cha mẹ (cha anh có liên hệ với dòng họ Yi) chưa bao giờ tiết lộ gốc gác hoàng tộc của họ, vì thế anh chỉ biết điều đó qua một người họ hàng. "Tôi đã không hề biết gì về dòng dõi của gia đình mình," Lee chia sẻ.
"Bạn không biết nhiều về vương triều Joseon hay lịch sử Triều Tiên khi lớn lên ở Mỹ."
Lee đã bỏ học đại học khi bước vào độ tuổi 20. "Tôi thực sự không có nền tảng kiến thức dày dặn cho lắm," anh chia sẻ và nói thêm rằng mặc dù không phải là học sinh giỏi nhất, nhưng từ nhỏ anh đã hứng thú với máy tính và viết mã. "Tôi đã thi vào đại học Purdue, rồi chuyển tới Buffalo, New York. Không lâu sau đó tôi bỏ học và bắt đầu làm việc trên Internet."
Lee đã thành lập công ty công nghệ riêng của mình - Private Internet Access, một nhà cung cấp dịch vụ VPN ở Hoa Kỳ. Mặc dù không tiết lộ đối tượng hay số lượng người sử dụng dịch vụ vì lý do bảo mật cho người dùng, nhưng công ty của Lee nằm trong số những nhà cung cấp VPN nổi tiếng nhất thế giới, căn cứ theo xếp hạng của người dùng và các công cụ tìm kiếm trên Internet.
Và anh vẫn tiếp tục duy trì quỹ đạo thành công độc đáo này của mình. Vài năm trước, Lee cuối cùng cũng được gặp người họ hàng Yi Seok. Hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp đến mức ông Yi đã quyết định Lee sẽ là người thừa kế của mình.
Tháng trước, ông Yi đã tổ chức một buổi lễ "trao gươm" cho Lee trong khung cảnh đậm chất phương đông tại Crustacean Beverly Hills, một nhà hàng hải sản Việt Nam cao cấp ở Los Angeles.
"Tôi cam kết tôn trọng các giá trị về tình yêu, nhân quyền, hòa bình và tự do cho nhân loại hết mức có thể trong khả năng của tôi," Lee tuyên thệ trong buổi lễ.
Những người có mặt trong buổi lễ này bao gồm các quan chức chính quyền thành phố Jeonju, cái nôi của gia tộc họ Yi; các thành viên hội đồng thành phố Los Angeles , và lãnh đạo khu vực Bermuda, ông David Burt.
"Mọi người nghĩ việc tôi trở thành hoàng tử thật tuyệt vời," Lee chia sẻ. "Nhưng thực tế tôi không đi khắp nơi và rêu rao rằng, 'Này, tôi là một hoàng tử đó.' Tôi cố gắng hết sức để giữ bí mật."
Và mặc dù đã là hoàng tử của hoàng gia Triều Tiên nhưng Lee nói rằng về mặt văn hóa anh cảm thấy mình giống người Mỹ hơn người Hàn. Anh cũng chỉ mới về thăm Hàn Quốc vài lần. Tuy nhiên, năm sau anh có ý định sẽ tới thăm Jeonju, nơi ông Yi đang sinh sống.
Hoàng tử ca hát
Về phần mình Yi Seok, người đã làm lễ sắc phong cho Lee, có một cuộc đời đầy biến động.
Sinh năm 1941, ông Yi sống trong cái bóng của hoàng gia gần như trọn cả cuộc đời. "Tôi được sinh ra khi cha tôi, Yi Kang, con trai thứ hai của Hoàng đế Gojong, đã 62 tuổi," ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn từ Jeonju. "Danh xưng 'Hoàng tử cuối cùng của triều đại Joseon' là một gánh nặng vì lịch sử lâu dài của gia tộc chúng tôi."
Khi đất nước trở thành thuộc địa của người Nhật vào năm 1910, hoàng gia Triều Tiên đã mất đi quyền cai trị chính thức. Là vị hoàng tử cuối cùng của triều đại Joseon đang sống tại Hàn Quốc, ông Yi lớn lên tại cung điện Sadong ở Seoul, và đã sống ở đó trong vài năm đầu đời tới khi hoàng gia bị trục xuất khỏi cung điện sau ngày giải phóng hồi năm 1945.
Tài sản và đất đai của hoàng tộc đã bị quốc hữu hóa trong thời gian này, dưới sự cai trị của tổng thống Syngman Rhee, người lo sợ rằng hoàng gia có thể vùng lên đòi lại quyền lực.
Năm 1948, dòng họ Yi bị tước mọi danh hiệu và không được công nhận chính thức theo hiến pháp mới của Hàn Quốc. Tuy nhiên, những hậu duệ của gia tộc này vẫn được một bộ phận dân chúng thừa nhận là người của hoàng gia.
[Đoàn tụ các gia đình người Mỹ gốc Triều Tiên bị ly tán sau chiến tranh]
Từ khi còn nhỏ, ông Yi đã phải tìm nhiều cách để phụ giúp cho gia đình; cha của ông đã sớm qua đời hồi đầu những năm 1950. Trong khi đang học tiếng Tây Ban Nha ở Đại học Ngoại ngữ Hankook của Hàn Quốc, ông nhận ra mình có tài ca hát. Mười năm sau đó, ông đã được biết đến với biệt danh "Hoàng tử ca hát".
"Tôi đã giành được một giải thưởng trong một cuộc thi hát và tôi nhận ra mình có thể làm DJ và hát nhạc pop để kiếm tiền phụ giúp gia đình," ông Yi chia sẻ. "Một nhà soạn nhạc đã gửi cho tôi bài hát Tổ chim bồ câu, và nó đã trở thành một thành công lớn.
Mọi người dân Hàn Quốc hồi đó đều biết bài này," ông nhớ lại và nói rằng bài hát này còn nằm trong số những bản nhạc được chơi nhiều nhất ở các đám cưới sau khi nó được phát hành trong năm 1967. "Một số người đến giờ vẫn gọi tôi là 'Hoàng tử bồ câu'."
Tuy nhiên, thành công này không kéo dài lâu. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông Yi đã tan vỡ - "Cô ấy không thích tôi, tôi chỉ là một hoàng tử nghèo" - và trong bối cảnh biến động chính trị sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee vào năm 1979, ông Yi đã sang Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới.
Ở Mỹ, ông làm nghề dọn bể bơi cùng nhiều công việc vặt khác cho tới thập niên 1990, trước khi quyết định quay lại Hàn Quốc.
Về đến quê hương, ông Yi vẫn phải sống như một kẻ vô gia cư trong một khoảng thời gian, cho tới khi một phóng viên phát hiện ra ông tá túc trong một nhà tắm công cộng, và đưa chuyện này lên mặt báo.
Thị trưởng thành phố Jeonju sau đó đã đề nghị cấp cho ông một ngôi nhà ở Jeonju và từ đó ông Yi cùng người vợ thứ hai đã trở thành những vị chủ nhà hoàng gia. Họ thường mặc những bộ trang phục màu vàng sáng để chào đón khách du lịch tìm tới thị trấn.
"Một số người nói rằng chính phủ cần chăm lo cho những người còn lại trong gia đình hoàng tộc. Nhưng tôi nghĩ chính phủ chỉ cần quan tâm tới người dân và không nên vướng vào các vấn đề lịch sử nữa," ông Yi chia sẻ. Ông cũng nói thêm rằng hiện hoàng tộc gần như đã bị giới trẻ quên lãng.
Ngày nay, trong khi hầu hết người Hàn Quốc đều biết đến Lee Jae-yong, chủ tịch kiêm "thái tử" của Samsung, hay Kim Jong-un, lãnh tụ tối cao của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, chẳng mấy người biết tới dòng họ Yi.
Hoàng tộc hồi sinh
Bất chấp thực tế này, ông Yi và người thừa kế của mình đang vẫn hy vọng hoàng gia sẽ có lúc trở lại thời kỳ huy hoàng. Vị hoàng tử, và có thể là hoàng đế, mới sẽ mở một "quỹ hoàng gia" để đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp ở Hàn Quốc.
"Quỹ của chúng tôi chưa chính thức khởi động, kế hoạch của chúng tôi là nó sẽ khởi động vào năm 2019," Andrew Lee chia sẻ. "Đôi khi thật khó để mở một doanh nghiệp khi bạn đã có một công việc ổn định, hay đang chỉ là một sinh viên ở Hàn Quốc... Nếu bạn được tài trợ để tập trung toàn thời gian vào một dự án mà bản thân tin tưởng, bạn sẽ có thể làm được điều mình muốn và thực sự tiến xa."
Lee nói thêm rằng anh cũng sẽ mở một trường dạy viết mã ở Hàn Quốc với tên là "Hack Yo”. Trong tiếng Hàn từ hakyo cũng có nghĩa là "trường học."
Lee ví von vai trò của mình với Sejong đại đế, một vị vua nổi tiếng của triều Joseon, người đã trị vì đất nước Triều Tiên cổ xưa trong những năm 1400 và được biết đến nhiều nhất với tư cách là người đã sáng tạo ra hangul - bảng chữ cái tiếng Hàn vẫn được dùng đến tận ngày nay.
Lee cho biết mục tiêu khi lập ra trường Hack Yo là để mọi người biết cách viết mã - thứ ngôn ngữ của tương lai theo quan điểm của anh. Nhưng trong một thời kỳ mà những người Hàn Quốc trẻ tuổi gọi xã hội họ đang sống là "địa ngục Joseon" để chỉ tới những sự phân cấp cứng nhắc, thật khó mà tưởng tượng sự trở lại vinh quang của hoàng tộc. Như thế cũng rất khó để tạo ra một quỹ hoàng gia.
Theo ông Shin Gi-wook, một giáo sư xã hội học kiêm giám đốc Chương trình Hàn Quốc tại Đại học Stanford, những gia đình hoàng tộc có thể trở thành một biểu tượng cho niềm tự hào và sự đoàn kết dân tộc, như trong trường hợp của Vương quốc Anh hoặc Nhật Bản, nhưng trong trường hợp của Hàn Quốc hiện đại, di sản như vậy là không cần thiết.
"Đôi khi xã hội hiện đại sẽ tìm cách hồi sinh hoặc tái tạo lại quá khứ để phục vụ hiện tại. Nhưng tôi không nghĩ mọi người sẽ hứng thú với việc quảng bá các gia đình hoàng tộc ở Hàn Quốc," ông cho hay và nói thêm rằng hoàng tộc Triều Tiên thường được nhắc đến như một phần của một thời đại đã qua.
Nathan Millard, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của G3 Partners, một công ty PR có trụ sở tại Hàn Quốc chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị đồng ý rằng hầu hết người Hàn Quốc không hào hứng với việc đưa hoàng gia trở lại đời sống xã hội..
"Tình hình hoàn toàn khác với những quốc gia có hoàng gia vẫn đang tồn tại. Tôi là người Anh. Tôi thích gia đình hoàng gia Anh. Họ là một thể chế và là một di sản văn hóa của một lịch sử phong phú. Họ là điểm thu hút khách du lịch tuyệt với và cũng là một công cụ ngoại giao mạnh mẽ. Họ cũng nổi tiếng nữa - cả thế giới sẽ bật ti vi để xem đám cưới của họ, hay khi họ qua đời.”
"Hoàng gia Triều Tiên đã có thời của họ. Nhưng giờ họ không còn gì theo kịp hay liên quan tới thời đại ngày nay nữa," Millard chia sẻ. "Cũng tốt nếu họ mở quỹ và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Nhưng điều cốt lõi là họ phải tạo ra giá trị thật sự."
Điều ngạc nhiên là ông Yi Seok cũng đồng ý rằng người thuộc hoàng tộc Triều Tiên ngày nay đang sống trong một thế giới rất khác. Tuy nhiên, ông Yi nhìn thấy ở người kế nhiệm của mình một sự hứa hẹn cho tương lai. "Andrew là một chàng trai trẻ đứng đắn. Cậu ấy là một doanh nhân trẻ với tình yêu Hàn Quốc... Tôi đã 78 tuổi rồi, vì thế chàng trai thông minh này cần nỗ lực làm điều gì đó cho người dân Hàn Quốc"./.