Bến Tre là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất cây ăn trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích hơn 28.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 300.000 tấn.
Hiện tỉnh đang tập trung phát triển các loại cây ăn trái chủ lực có thế mạnh như bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn và sầu riêng và tiếp tục chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn phù hợp với vùng sinh thái.
Hình thành các chuỗi giá trị
Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gồm 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025, gồm dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết sau 3 năm triển khai, đến nay chuỗi giá trị các sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn đã được hình thành và phát huy hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 98 tổ hợp tác, 42 hợp tác xã hoạt động có sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất, tiêu thụ đối với các sản phẩm trái cây.
Với chuỗi giá trị bưởi da xanh, đến nay đã có 25 hợp tác xã, tổ hợp tác có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và sản lượng được liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trên 2.000 tấn/năm.
Đối với cây nhãn, tỉnh đã thành lập 2 hợp tác xã ở xã Long Hòa và Tam Hiệp, huyện Bình Đại, với quy mô 65 ha, thu hút 151 hộ tham gia.
Hợp tác xã Long Hòa đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu với sản lượng 300 tấn/năm.
[Xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm nay giảm nhẹ, đạt hơn 2,3 tỷ USD]
Riêng chuỗi giá trị chôm chôm, tỉnh đã thành lập và củng cố 22 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã có 732 hộ tham gia với tổng diện tích 126ha.
Các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty trách nhiệm hữu hạn Chánh Thu và một số công ty, đối tác khác để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Xiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã chôm chôm Tiên Long (huyện Châu Thành), cho hay hợp tác xã hiện có 55 thành viên, sản xuất trên diện tích sản xuất gần 34 ha, chủ yếu là chôm chôm, còn lại là bưởi da xanh.
Hiện hợp tác xã liên kết với Công ty Nông sản sạch Đại Thuận Thiên để ký hợp đồng đầu ra và ký hợp đồng vào với đại lý phân bón Út Sang.
Ngoài ra, hợp tác xã cũng được cấp mã code vùng trồng ở Long Tiên để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo ông Lê Văn Đơn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, toàn huyện có hơn 5.000ha diện tích trồng cây đặc sản (chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…) với năng suất trung bình hơn 22 tấn/ha/năm.
Đáng chú ý, thế mạnh của trái cây đặc sản Chợ Lách là thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Toàn huyện có hơn 600ha với 238 hộ đã đạt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Tiêu thụ là một trong những khâu yếu nhất hiện nay trong sản xuất theo chuỗi giá trị ở huyện Chợ Lách; trong đó, kênh tiêu thụ đơn giản gồm nhà vườn-lái nhỏ thu gom- thương lái lớn (đầu mối).
Tất cả sản phẩm làm ra đều được bán hết nhưng giá trị thì bấp bênh theo quy luật cung cầu.
Ngoài ra, giá trị giữa vụ thuận và nghịch có sự biến động khá lớn, khoảng hơn 20%. Qua đó, lợi nhuận thu được giữa các giống/dòng cũng có sự thay đổi.
Từ những kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi giá trị, Bến Tre đang tiến hành nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả đến với các sản phẩm khác.
Ngoài ra,các ngành chức năng tỉnh cũng đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp giấy chứng nhận áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực.
Đến nay, tỉnh có gần 4.500ha cây ăn trái và dừa được công nhận GAP và hữu cơ.
Tỉnh cũng được cấp 7 mã số vùng trồng, 29 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre, chôm chôm Chợ Lách đã được công nhận.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho cả nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng.
Song song đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân góp phần quan trọng cho thành công của việc sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nói chung và trái cây đặc sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, mối liên kết giữa nông dân với nông dân (liên kết ngang) để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng sản xuất quy mô lớn chưa chặt chẽ.
Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và các tác nhân liên quan (liên kết dọc) chưa hình thành rõ nét, chưa có sự liên kết, cộng đồng trách nhiệm trong xây dựng thương hiệu sản phẩm và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.
Vì vậy, tình trạng “được mùa mất giá và được giá mất mùa” vẫn còn phổ biến, ảnh hương không nhỏ đến thu nhập và đời sống của nông dân.
Bến Tre hiện có 8.749ha bưởi da xanh, sản lượng 66.428 tấn/năm. Đây là cây ăn trái được xác định có thế mạnh cao nhất của tỉnh, bởi tính thích nghi rộng, cho trái làm nhiều đợt trong năm, sản phẩm có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng bưởi da xanh được doanh nghiệp bao tiêu theo chuỗi giá trị vẫn còn khiêm tốn và sản phẩm này chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Cơ sở xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) chia sẻ, bưởi da xanh là đặc sản Bến Tre, chất lượng ngon và không ngại cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp phải chú trọng việc sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Điều này nhằm tạo nên vùng trồng tập trung và sản lượng hàng hóa lớn, thuận lợi hơn cho quá trình xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, để nâng cấp chuỗi giá trị cây trái đặc sản chủ lực của tỉnh, cần xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hành sản xuất sạch, thực hiện tốt liên kết ngang trong nội bộ tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như liên kết dọc với doanh nghiệp.
Ngoài ra, để phát triển sản xuất cây ăn trái đặc sản tỉnh Bến Tre theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về giống, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất rải vụ…
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhà vườn trồng cây ăn trái liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, xác định lợi ích của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp gắn kết đầu tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm với tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua hợp đồng, nhằm đảo lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào mô hình sản xuất tập thể; xây dựng và chuyển giao khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác và nông dân./.