Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao tư vấn các phương án điều chỉnh quy hoạch nhằm mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Bốn yêu cầu của Phó Thủ tướng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao ADCC đã tập trung tối đa thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chỉ trong thời gian ngắn, ADCC đã nghiên cứu, xây dựng các phương án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng các yêu cầu đề ra. Trên cơ sở các phương án này, các Bộ, ngành chức năng sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại các cuộc khảo sát, làm việc trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ra “đề bài” quy hoạch, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất bảo đảm phục vụ 40-50 triệu hành khách/năm.
Theo ý kiến các bộ, ngành và các chuyên gia hàng không thì đây là “ngưỡng” mà sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng. Tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 là 25 triệu lượt hành khách, nhưng thực tế đang phải phục vụ 32,5 triệu lượt hành khách/năm.
Tại cuộc họp hôm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ bốn yêu cầu đối với việc cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Yêu cầu đầu tiên là khẩn trương khắc phục ngay tình trạng ùn tắc “từ trên trời xuống dưới đất, từ trong ra ngoài” như hiện nay. “Không thể chọn phương án thi công kéo dài 3-5 năm hoặc lâu hơn. Mọi công đoạn thực hiện đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải được thực hiện nhanh nhất, ngay trong năm 2017, để năm 2018 có thể đưa vào sử dụng được,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
"Vốn đầu tư công hiện đang rất khó khăn, do đó phải hạn chế ở mức thấp nhất nguồn vốn nhà nước, thay vào đó cần có giải pháp để khuyến khích xã hội hóa, huy động vốn của các doanh nghiệp cho đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, giảm thất thoát,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu thứ hai.
Yêu cầu thứ ba là phải đảm bảo chất lượng công trình, không chỉ đảm bảo an toàn chịu lực, mà còn phải đảm bảo chất lượng về mỹ quan, cảnh quan, môi trường.
Yêu cầu thứ tư được Phó Thủ tướng đề cập là phải đảm bảo an toàn cả trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng công trình; đảm bảo an toàn, an ninh hàng không.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đơn vị tư vấn đặc biệt chú ý giao thông kết nối với sân bay. Trong quá trình đầu tư, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng cơ chế cụ thể về huy động nguồn vốn, sự phối hợp giữa các chủ thể để đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước, hiệu quả khai thác công trình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cần chủ trì để tách thành các dự án, đề xuất cơ chế đầu tư, xác định rõ nguồn vốn cho từng hạng mục để ngay khi được phê duyệt có thể triển khai ngay được.
“Khi hoàn thiện được các phương án, cần công khai cho mọi người dân được biết,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Sáu phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
Tại cuộc họp ngày 20/1, đơn vị tư vấn đã trình bày ba phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Kết luận cuộc họp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị bổ sung thêm các phương án quy hoạch theo hướng mở rộng phát triển về phía Bắc (khu vực sân golf và một số đơn vị quân đội hiện nay).
Tại cuộc họp này, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện ba phương án đã trình trước đó, đồng thời báo cáo thêm ba phương án 2B, 2C, 2D theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Theo phương án 1, sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để bảo đảm khai thác.
Với phương án này, có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách năm, nhưng mất từ 10-15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Theo phương án 2, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R). Cùng với đó, sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía Bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự-dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách. Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 2B sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc, xây dựng các đường lăn thoát nhanh nối giữa đường cất hạ cánh mới và sân đỗ, xây dựng nhà ga T4 ở phía Bắc, nhà ga lưỡng dụng T3 ở phía Nam... Phương án này có thể nâng công suất lên 48-50 triệu hành khách/năm, chi phí khoảng 93.000 tỷ đồng, xây dựng trong 10-12 năm.
Phương án 2C cũng như phương án 2B, nhưng xây dựng nhà ga T4 công suất lớn hơn, khoảng 25-30 triệu lượt hành khách/năm. Phương án này sẽ nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 68-70 triệu lượt hành khách/năm, tiêu tốn khoảng 131.000 tỷ đồng, xây dựng trong hơn 15 năm.
Phương án 2D là xây dựng thêm nhà ga T5, nâng tổng công suất lên 78-80 triệu khách/năm. Thời gian xây dựng của phương án này là trên 15 năm, với kinh phí khoảng 185.500 tỷ đồng.
Phương án 3 là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá ba năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện các phương án đã báo cáo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung phương án 3B theo hướng xây dựng các đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh 25L/07R như phương án 3, nhưng xây dựng nhà ga hành khách với cùng công suất 43-45 triệu hành khách/năm ở phía Bắc (khu vực sân golf hiện nay) để từ đó có cơ sở so sánh, lựa chọn một cách chính xác nhất.
“Các phương án phải được xây dựng thực sự khoa học, khách quan, có sự so sánh, đối chiếu một cách rõ ràng để có sự cân nhắc, lựa chọn tối ưu nhất dựa trên các tiêu chí nêu trên,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã thăm Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) - Bộ Quốc Phòng. Đây là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng các công trình hàng không với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, doanh thu trên 5000 tỷ đồng/năm.
ACC đã xây dựng nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh như toàn bộ các sân bay quân sự trên cả nước, các công trình xây mới, cải tạo, nâng cấp đường băng, sân đỗ, nhà ga và hạ tầng các sân bay trên toàn quốc như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ./.