Hoàn thiện quy định cấp phép trong an toàn bức xạ

Hoạt động khai báo, cấp phép trong lĩnh vực an toàn bức xạ được hoàn thiện, được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), hoạt động khai báo, cấp phép trong lĩnh vực an toàn bức xạ đã từng bước được hoàn thiện và được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Các quy trình, thủ tục, hướng dẫn về khai báo, cấp phép được rà soát và đăng tải công khai tạo sự minh bạch và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ khi làm các thủ tục khai báo và xin cấp phép.

Hàng năm, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã trình cấp và cấp khoảng 1.000 giấy phép các loại. Cục đã tổ chức Hội đồng thẩm định an toàn hạt nhân để đánh giá các biện pháp bảo đảm an toàn cho việc khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sau khi chuyển đổi hoàn toàn thanh nhiên liệu từ uranium có độ làm giàu cao (HEU) sang nhiên liệu uranium có độ làm giàu thấp (LEU).

Ngày 3/7/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành việc chuyển trả HUE về Liên bang Nga trong khuôn khổ hợp tác bốn bên giữa Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nga, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hoạt động cấp phép tại các sở khoa học và công nghệ được thực hiện thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng máy X-quang y tế, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm soát chiếu xạ y tế.

Để được cấp phép, các thiết bị X-quang y tế phải được kiểm tra về tính phù hợp nhằm bảo đảm an toàn không chỉ cho nhân viên bức xạ, người bệnh mà còn cho cả xã hội. Các cơ sở bức xạ có những biện pháp phù hợp nâng cao chất lượng chuẩn đoán và điều trị bằng bức xạ, góp phần giảm thiểu các nguy cơ bức xạ do các hoạt động này gây ra.

[An toàn bức xạ là tiêu chí với nhà máy điện hạt nhân]


Cũng theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, công tác khai báo, cấp phép vẫn còn một số điểm bất cập, cần được khắc phục kịp thời. Theo quy định hiện hành, sau khi sở hữu nguồn bức xạ, tổ chức, cá nhân mới có trách nhiệm khai báo với cơ quan quản lý nhà nước trong 7 ngày làm việc. Như vậy sẽ có khoảng thời gian trước khi tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo, nguồn bức xạ gần như nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quản lý của nhiều nước, cần quy định về việc tổ chức, cá nhân phải khai báo trước ý định, kế hoạch tiến hành công việc bức xạ thay vì chỉ khai báo nguồn bức xạ khi đã sở hữu chúng.

Đối với nhà máy điện hạt nhân, vẫn còn nhiều bất cập khi cả Luật và Nghị định quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với từng giai đoạn của dự án nhà máy…/.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục