Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển

Theo nhiều ý kiến, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực mở rộng hơn thị trường bảo hiểm; tăng độ bao phủ bảo hiểm và tăng tính an toàn, bền vững.
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Quốc Trung phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được trình tại Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực mở rộng hơn nữa thị trường bảo hiểm; đồng thời, tăng độ bao phủ của bảo hiểm và tăng tính an toàn, bền vững trong sự phát triển của thị trường.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 ra đời khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng, bảo hiểm vẫn còn là lĩnh vực mới với đa số người dân Việt Nam.

Trên thực tế, sau gần 20 năm phát triển, thị trường bảo hiểm đã thay đổi khá nhiều. Một số quy định tại Luật đã có độ trễ so với sự phát triển của thực tiễn.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra... trong thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung. Do vậy, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung liên quan tại các văn bản pháp luật nêu trên.

Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm được trình Quốc hội lần này đề xuất một số giải pháp về chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có đầy đủ vốn dựa trên tiêu chí so sánh tỷ lệ giữa vốn hiện có so với yêu cầu về vốn tối thiểu phải có tương ứng với tổng thể rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này nhằm đáp ứng cam kết với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính.

Dự thảo sửa đổi Luật cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tính toán mức vốn tối thiểu tương ứng với các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Bởi, việc xác định vốn tối thiểu tương ứng với mỗi loại rủi ro thường được thực hiện bằng công thức chung là số tiền chịu rủi ro nhân hệ số rủi ro. Hoặc, tính toán giá trị tài sản, trách nhiệm bảo hiểm theo cơ sở do cơ quan quản lý quy định để làm căn cứ so sánh với vốn sẵn có.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng quy định về tổ chức bộ máy phù hợp với thực tế, bổ sung và nâng cao quy định về quản trị điều hành và quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

[Cần bổ sung quy định trong luật về các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm]

Dự thảo Luật cũng quy định chuẩn hóa phát triển sản phẩm và kênh phân phối (đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, kênh phân phối mới) phù hợp với thực tiễn của thị trường và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy ổn định các hoạt động kinh tế-xã hội, thị trường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ bên tham gia bảo hiểm và tạo công ăn việc làm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa X ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2001 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, thể hiện rõ vai trò vị trí trong nền kinh tế-xã hội.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, trước khi có Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời chỉ có 15 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng đến năm 2018, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó, có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; một chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 29%/năm giai đoạn 2000-2018, đạt 81.558 tỷ đồng năm 2018. Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 28,5% trong giai đoạn 2000-2018, đạt 394.192 tỷ đồng năm 2018. Trong giai đoạn 2000-2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 246.586 tỷ đồng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết đến nay, tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường lên tới gần 1.300 sản phẩm; trong đó, có trên 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện, nhiều sản phẩm bảo hiểm mới được ra đời, về cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm như Bảo hiểm bảo lãnh, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm liên kết chung, Bảo hiểm liên kết đơn vị, Bảo hiểm vi mô, Bảo hiểm thủy sản...

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, có khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các doanh nghiệp bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 321.165 tỷ đồng cho đến hết năm 2018.

Tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào trái phiếu Chính phủ đạt gần 89.000 tỷ đồng với 82% trái phiếu Chính phủ có thời hạn trên 5 năm. Điều này góp phần thực hiện thành công các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục