Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với chủ đề: "Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng."
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, những tiến bộ về khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Trong khi đó, Luật Giao dịch điện tử 15 năm nay chưa thay đổi, sửa đổi bổ sung, đặt ra câu hỏi hành lang pháp lý đảm bảo an toàn để triển khai được các hoạt động giao dịch điện tử tại các ngân hàng.
Theo ông Hùng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam phải giãn cách thời gian tương đối dài, nếu công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu thanh toán tiêu dùng sẽ gây ra những khó khăn lớn cho người dân.
Hiện nay, nhân dân đều có thể thanh toán qua App và đây là sự tiến bộ, giúp giảm tiêu dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng eKYC (quy trình định danh khách hàng điện tử) nhưng mới chỉ bước đầu, hành lang pháp lý để phát triển chưa có.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn hiện nay của các bộ, ngành nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng chưa sửa đổi nhiều. Vì vậy, các ngân hàng thương mại không ứng dụng được công nghệ thông tin vào hoạt động các lĩnh vực chuyên sâu.
Đây cũng là nhu cầu bức thiết của các tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu người dân và mở rộng các sản phẩm dịch vụ. Thực tế, có những ngân hàng hiện nay đã mở rộng, đưa doanh thu hoạt động dịch vụ chiếm tới 40% tổng doanh thu.
“Tôi thấy rằng một số luật ban hành vẫn chưa phù hợp do Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa được sửa đổi. Đây là vấn đề cấp thiết, cần nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp," ông Hùng kiến nghị.
[‘Vạch mặt' các thủ đoạn lừa đảo giao dịch ngân hàng điện tử]
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho hay, khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng điện tử đã được quy định tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, cùng với thời gian thì có sự phát triển mới về mặt công nghệ và sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Do đó, các quy định của pháp luật đang có nhiều điểm bất cập cần hoàn thiện, bảo đảm theo xu hướng mới liên quan đến hoạt động ngân hàng điện tử.
Còn bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu lên những thực trạng, nhu cầu sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo bà Phương, hiện chưa có cơ sở thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay và bảo lãnh nếu như chưa có các hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
BIDV kiến nghị, với thực trạng các quy định pháp luật trong hoạt động tín dụng hiện hành, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, lúng túng trong việc triển khai, áp dụng các phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng để vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
"Bởi, với khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện như hiện tại, các tổ chức tín dụng vẫn quyết tâm làm sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro," bà Phương chia sẻ.
Bà Tôn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Tài chính cổ phần Điện lực bày tỏ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Đồng thời, là hướng đi chiến lược giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả phát triển bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những thách thức về sự đồng bộ kịp thời của khung pháp lý liên quan như: giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử cần sớm được ban hành.
Nghị định 35/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng cho phép theo hướng rất mở. Nhưng, trong lĩnh vực ngân hàng lại có sự bó hẹp và có nhiều hoạt động chưa được quy định cụ thể.
Bà Nguyễn Thu Trang, cán bộ phát triển sản phẩm khối quản lý nộp tiền và thanh toán quốc tế của Ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết, doanh số thương mại điện tử trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng, dự kiến đạt 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021.
Thương mại điện tử đóng góp hơn 18% tổng doanh số bán lẻ toàn cầu. Trước đó, trong năm 2019 con số này là 14% và năm 2020 là 17%.
Ở Việt Nam, trong 2 năm qua đã chứng kiến sự dịch chuyển rất mạnh mẽ nhanh chóng của thương mại điện tử. Xu hướng cung cấp hàng hóa qua kênh trực tuyến phát triển nhanh chóng. Trong "bức tranh" thương mại điện tử sôi động đó không thể thiếu sự xuất hiện của các ngân hàng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước bà Vũ Ngọc Lan, trong quá trình lấy ý kiến và xây dựng các văn bản pháp luật đều được lấy ý kiến của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đăng tải các dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ cũng như trang web của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, hạn chế được vướng mắc, bất cập bà Lan đề nghị tổ chức tín dụng có góp ý kịp thời với phía Ngân hàng Nhà nước./.