Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với hoạt động kế toán

Tờ trình dự án Luật của Chính phủ nêu rõ sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán, việc tổ chức hệ thống kế toán của Việt Nam đã được phân định rõ ràng cụ thể hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: An Đằng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 36, chiều 10/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Tờ trình dự án Luật của Chính phủ nêu rõ sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán, việc tổ chức hệ thống kế toán của Việt Nam đã được phân định rõ ràng cụ thể hơn.

Hệ thống kế toán được phân chia thành các khu vực; tạo điều kiện cho mọi đối tượng thực hiện kế toán và tổ chức công tác kế toán tại từng đơn vị, đồng thời cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát thông qua lập, trình bày, công bố báo cáo tài chính; góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác kiểm toán; giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, tạo cơ chế công khai, minh bạch các báo cáo tài chính.

Luật Kế toán và các văn bản pháp luật về kế toán đã góp phần tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; các quy định và chế độ kế toán được bổ sung, sửa đổi phù hợp với hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có được thông tin cần thiết để quyết định tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ về kế toán...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên Luật Kế toán và công tác kế toán ở Việt Nam cũng còn có những khó khăn, hạn chế.

Cụ thể Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới, việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá).

Ở Việt Nam, cơ chế kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập.

Luật Kế toán không quy định nội dung chuẩn mực kế toán, mà được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Các chuẩn mực kế toán được ban hành từ những năm 2001-2005, đến nay do điều kiện kinh tế-tài chính đã có sự thay đổi, chuẩn mực kế toán quốc tế đã được cập nhật, tuy nhiên các chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Qua đó tạo điều kiện phát triển ngành nghề kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội.

Trên cơ sở phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan 21 điều trong tổng số 64 điều của Luật Kế toán, Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Dự án Luật là: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.”

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi Luật chỉ dừng ở mức độ sửa đổi, bổ sung 21/64 điều của Luật Kế toán hiện hành, trong đó một số vấn đề mang tính kỹ thuật.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu hơn về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn.

Qua rà soát, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Cùng với việc đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính bao quát, toàn diện và mở rộng phạm vi sửa đổi, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị đổi tên gọi của Luật thành Luật Kế toán sửa đổi.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần khẩn trương tiến hành rà soát, hoàn thiện dự án Luật theo hướng sửa đổi căn bản, toàn diện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục