Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường lao động

Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động.
Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 18/8 tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Sơn Minh Thắng đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đạt được trong nhiệm kỳ qua trên các lĩnh vực công tác theo chức năng, nhiệm vụ của bộ.

Đặc biệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với nhiều điểm mới.

"Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm qua đã đóng góp quan trọng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh, phúc lợi xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra," ông Sơn Minh Thắng khẳng định.

Ông Sơn Minh Thắng yêu cầu ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới cần đồng thời thảo luận và đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể đề khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra.

Với những nội dung cụ thể, Đảng ủy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đặc biệt coi trọng và làm thật tốt công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên của mỗi cơ quan đơn vị; chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị, đạo đức lối sống và chống "tự diễn biến," "tự chuyển hóa"...

Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh 5 năm qua là một chặng đường dài nhưng đã đạt được những đột phá, được xã hội và các cấp ủy đảng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế với việc thông qua Bộ luật Lao động.

"Trong lĩnh vực người có công, chúng ta cũng đã tạo ra những cuộc cách mạng thực sự trong việc giải quyết vấn đề tồn đọng, từ 22.000 hồ sơ cần giải quyết đến nay còn hơn 7.200 hồ sơ; giải quyết trên 2.224 hồ sơ công nhận liệt sỹ, 63.000 hồ sơ thanh niên xung phong cũng đã giải quyết căn bản," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định về giai đoạn 5 năm tới với rất nhiều thách thức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần thực hiện tốt những nhiệm vụ như công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; phối hợp xây dựng Đảng; xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh; thực hiện dân chủ đi đôi với tập trung. Nếu thực hiện được những điều đó, mỗi đảng bộ, mỗi chi bộ của Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực sự trong sạch và vững mạnh, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2015-2020, trong 5 năm qua Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, qua đó góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành lao động-thương binh và xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

[ILO-ADB: COVID-19 tác động nặng nề đến việc làm cho thanh niên]

Đảng ủy Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của ngành.

Nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, bảo đảm chất lượng, tiến độ và có những tiến bộ vượt bậc; các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm; giáo dục nghề nghiệp; giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới... được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có nhiều tiến bộ so với nhiệm kỳ trước; khẳng định vị thế và uy tín của bộ, ngành trong việc tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về lĩnh vực được phân công.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác xây dựng đảng của Đảng bộ. Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ cho mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, đạo đức, trách nhiệm nêu gương, chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nhiều giải pháp, đáng chú ý là hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, hoạt động hiệu quả; nâng cao năng lực công tác dự báo, kết nối cung-cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước; chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động; thực hiện các giải pháp đột phá, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Đại hội cũng bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 23 người. Đồng thời, bầu 5 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ họp để bầu ra Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục