Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo quốc tế báo cáo kết quả thực hiện dự án tăng cường năng lực quản lý hợp đồng xây dựng và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết trong những năm qua, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý trên lĩnh vực được Chính phủ giao.
Dự án tăng cường năng lực quản lý hợp đồng xây dựng do WB tài trợ và bắt đầu triển khai từ tháng 11/2009 với ba mục tiêu cụ thể.
Trước tiên là cải cách công cụ quan trọng nhất trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam (bao gồm cả các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA), đó là hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Dự án đồng thời nâng cao năng lực quản lý và thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo cơ chế thị trường phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Cùng đó, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở pháp lý và các công cụ phục vụ cho việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng, đào tạo cán bộ là các giảng viên trong lĩnh vực này.
Với sự hỗ trợ của WB, dự án đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ cả về nội dung, đối tượng, phạm vi, thu hút sự tham gia của các bộ ngành, Sở Xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn và nhiều chủ thể liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.
Nhờ đóng góp của tư vấn nước ngoài, qua quá trình khảo sát, nghiên cứu trong nước và nước ngoài, dự án đã làm rõ những tồn tại, bất cập trong quản lý hợp đồng xây dựng ở Việt Nam; xây dựng được ma trận về khoảng cách giữa quản lý hợp đồng xây dựng ở Việt Nam với quản lý hợp đồng theo thông lệ quốc tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Khánh do đặc thù của ngành nên các hợp đồng kinh tế xây dựng có giá trị lớn và đây cũng là công cụ đặc biệt quan trọng. Nếu giữa các bên tham gia hoạt động xây dựng không có cam kết - công cụ đảm bảo thì kết quả khó đạt như mong muốn (chậm tiến độ, chịu ảnh hưởng của trượt giá...).
Bởi vậy, hợp đồng xây dựng cũng chính là căn cứ pháp lý ràng buộc các chủ thể tham gia hoạt động này phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định đã được ký kết giữa các bên.
Một số nhà thầu cho rằng lợi ích đem lại rõ nét nhất là đẩy nhanh được tiến độ giải ngân các dự án, thanh quyết toán nhanh và minh bạch.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có công cụ pháp lý để quản lý hoạt động xây dựng, nêu đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia với chế tài xử lý cụ thể những vi phạm trong cam kết hợp đồng.
Tuy nhiên, một số nội dung vẫn tiếp tục cần phải hoàn thiện. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý này theo hướng đảm bảo chắc chắn hơn nữa tính pháp lý của các hợp đồng, nhất là khi tham gia đấu thầu quốc tế./.