Hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.
Hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017 đã đề ra.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa, đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để xây dựng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là đối với các thị trường tập trung truyền thống và thị trường trọng tâm, tiềm năng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo ủy ban nhân dân các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa với Lộ trình đã được ban hành theo các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý 2/2017.

[Kiến tạo toàn diện tạo giá trị gia tăng tốt nhất cho gạo Việt Nam]

 

Rà soát, phổ biến quy định của các thị trường, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để giảm chi phí cho thương nhân xuất khẩu và người sản xuất lúa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới liên quan thực hiện thống kê đầy đủ số lượng gạo thực tế xuất nhập khẩu, mua bán qua biên giới.

Riêng đối với hoạt động mua bán, trao đổi gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa bố trí lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện thống kê đầy đủ theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ và thông báo cho lực lượng hải quan nơi quản lý địa bàn để tổng hợp chung.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu gạo; điều phối, hỗ trợ hiệu quả các thương nhân đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung; tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục