Hoàn thiện chính sách về hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV

Tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng chính là những “cánh tay nối dài” đưa dịch vụ trong công tác phòng chống HIV/AIDS đến với những nhóm nguy cơ và chỉ họ mới làm được việc này hiệu quả.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua cho thấy vai trò quan trọng của tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng.

Tại hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng về chi phí gói dịch vụ cho hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS, tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS lý giải những người nhiễm HIV, người có nguy cơ lây nhiễm họ chính là người được hưởng các dịch vụ phòng chống HIV và cũng là thành phần quan trọng tham gia vào phòng chống HIV.

[Luật sửa đổi về phòng chống HIV/AIDS được thông qua với đồng thuận cao]

Họ chính là những “cánh tay nối dài” đưa dịch vụ trong công tác phòng chống HIV/AIDS đến với những nhóm nguy cơ và chỉ họ mới làm được việc này hiệu quả.

Theo tiến sỹ Cảnh, hiện nay trong công tác phòng chống HIV/AIDS có 2 nhóm thực hiện chính gồm nhân viên y tế và sự tham gia của các tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng (CBO/CSO).

Thực tế, có nhiều CBO/CSO xuất sắc tham gia vào công tác phòng chống HIV, trong bối cảnh nguồn lực quốc tế cắt giảm. Bởi sự hoạt động của những nhóm này trước kia kinh phí là dựa vào nguồn viện trợ quốc tế thông qua các dự án chi từ ngân sách quốc gia và quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh ngân sách dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS giảm mạnh cần phải có các giải pháp để duy trì “cánh tay nối dài” này.

Đây là những bước đi cần thiết trong việc hoàn thiện cơ chế và chính sách để nhà nước, cơ quan quản lý trong lĩnh vực này ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh như vận động tuyên truyền phòng chống HIV trong các đối tượng người nghiện ma túy, HIV, những người đồng giới…

Việc này không thể một sớm một chiều. Do đó, các tổ chức dựa vào cộng đồng phải hoàn thiện lại mình để đủ điều kiện tham gia với tư cách pháp nhân và nâng cao năng lực tự đánh giá mình để triển khai các nhiệm vụ.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Thủy-Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, chia sẻ về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đề xuất cung cấp thông qua hợp đồng xã hội. Việc xây dựng 9 gói dịch vụ nhằm hỗ trợ các đơn vị được giao ngân sách phòng, chống HIV/AIDS lựa chọn các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để thử nghiệm hoặc triển khai hợp đồng xã hội có hiệu quả.

Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh phân tích về công tác phòng chống HIV/AIDS:

Các gói dịch vụ với nguyên tắc chung: Tất cả các dịch vụ mà các tổ chức xã hội có khả năng cung cấp và đáp ứng được các quy định hiện hành đồng thời giúp cho việc xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai hợp đồng xã hội thống nhất trên toàn quốc.

Những ưu tiên lựa chọn trong hợp đồng gồm các dịch vụ mà tổ chức xã hội có thế mạnh, các dịch vụ có thể đo lường được kết quả, đánh giá, kiểm định kết quả rõ ràng; các dịch vụ thiết yếu của từng địa phương để đạt tác động cao nhất với dịch HIV mà cụ thể tập trung vào nhóm dịch vụ dự phòng, nhóm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị, chăm sóc HIV/AIDS.

Vì vậy, hội thảo là dịp để các bên có liên quan xây dựng, kiến nghị những giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho gói dịch vụ hợp đồng xã hội, xây dựng được các nội dung để trình Thủ tướng về quyết định giao cho các đơn vị nhà nước đặt hàng dịch vụ HIV/AIDS cho các tổ chức cộng đồng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục