Hoàn thiện chính sách thúc đẩy quyền của người khuyết tật

Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2008 và dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014.
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy quyền của người khuyết tật ảnh 1(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2008 và dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014 cũng như đang nỗ lực xây dựng hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật.

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Trong lộ trình phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật, Việt Nam đã ban hành Luật về người khuyết tật năm 2010 và xây dựng các văn bản thi hành.

Giai đoạn 2010-2013, đã có 13 văn bản dưới Luật được ban hành có liên quan tới người khuyết tật trong các lĩnh vực truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Bên cạnh đó, chính sách chung của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng của họ để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.

Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảy lĩnh vực ưu tiên về người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đề án chia làm hai giai đoạn với những chỉ tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin, văn hóa, thể thao, pháp lý…

Nói về thành tựu đáng kể của Việt Nam trong việc đảm bảo nhân quyền của mọi thành viên không phân biệt giàu nghèo, giới tính, dân di cư và người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào mọi mặt của xã hội, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Gyorgy Sziraczki tại Việt Nam đã chúc mừng những thành tựu cũng như cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành Luật Người Khuyết Tật và tiến tới việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật.

Đi kèm với pháp luật bảo vệ quyền của người khuyết tật, Chính phủ Việt Nam đã và sẽ thực thi những biện pháp và hành động cụ thể để đảm bảo phụ nữ và nam giới và trẻ khuyết tật được đi học, được đào tạo dạy nghề chính quy, được làm việc và được hưởng các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội công.

Cũng theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế Gyorgy Sziraczki, để thúc đẩy chính sách pháp luật hòa nhập, đảm bảo nhân quyền trong lĩnh vực này, Chính phủ cần đầu tư thích hợp để nâng cấp giáo trình và trình độ của giáo viên dạy hòa nhập không chỉ ở bậc tiểu học, cấp trung học cơ sở, phổ thông trung học mà cần có những cải tiến phù hợp đối với dạy nghề chính quy dành cho người khuyết tật.

Các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ thích đáng về kỹ thuật và tài chính giúp doanh nghiệp và chính người lao động khuyết tật để có môi trường làm việc đảm bảo tiêu chuẩn lao động và được điều chỉnh phù hợp.

Phụ nữ và nam giới khuyết tật là tiềm năng cho thị trường lao động của Việt Nam. Một điều nữa, Việt Nam cần có những thẩm phán và luật sư giỏi với nhận thức, thái độ đúng đắn đối với người khuyết tật để phá bỏ rào cản, mở rộng cánh cửa tạo việc làm cho họ hòa nhập xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng triển khai một loạt các chính sách trợ giúp người khuyết tật như đề án trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần; tham gia và thực hiện các sáng kiến của quốc tế, khu vực; tăng cường sự tham gia của người khuyết tật, bảo vệ quyền của người khuyết tật; hỗ trợ thành lập các tổ chức tự lực của người khuyết tật; trợ giúp đào tạo nghề, tạo việc làm; cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng các công trình văn hóa, công cộng, các dịch vụ xã hội cơ bản khác của người khuyết tật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục