Suốt chiều dài 70 năm ra đời, hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường hào hùng, vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước.
Với những thành tựu to lớn trong các mặt công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đóng góp vào những thành tựu vẻ vang ấy, có sự góp sức quan trọng của đội ngũ cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội - bộ máy giúp việc tận tụy, hiệu quả, không ngừng lớn mạnh, đổi mới cùng Quốc hội.
Từ sơ khai đến hoàn thiện
Phân tích quá trình hình thành và phát triển bộ máy giúp việc của Quốc hội, tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá có thể nói, bộ máy giúp việc của Quốc hội trong 70 năm qua đã đong đủ một quá trình từ phôi thai đến hình thành, từ hình thành đến hoàn thiện, từ hoàn thiện đến phát triển và từ phát triển đến phát huy. Về chất lượng hoạt động, công tác, bộ máy giúp việc của Quốc hội từ sơ khai đến hiệu quả, từ hiệu quả thấp đến hiệu quả cao và ngày càng nâng cao chất lượng."
Từ 4 cán bộ, nhân viên đầu tiên, đến nay, Văn phòng Quốc hội đã có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đông đảo, chất lượng. Từ nhiệm vụ ban đầu là làm công tác phục vụ, đến nay Văn phòng Quốc hội đã trở thành cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc trực tiếp cho Quốc hội.
Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã khai mạc ngày 2/3/1946 tại Hà Nội. Trong những ngày đầu đó, để giúp việc Ban Thường trực Quốc hội thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã điều động một số cán bộ, nhân viên sang phục vụ Ban Thường trực Quốc hội trong hoạt động liên lạc với Chính phủ và làm những công việc do văn phòng đảm nhiệm như in ấn, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở, đi lại cho các Đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội...
Mặc dù lúc này chưa có văn bản pháp quy nào quyết định về việc thành lập Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, nhưng hoạt động của Văn phòng thời kỳ này là hết sức thiết thực, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo các điều kiện hoạt động cho Ban Thường trực Quốc hội từ khi mới ra đời. Vì thế, ngày 2/3/1946 mang một ý nghĩa lịch sử là Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội.
Tinh thần vượt khó
Nhớ lại những ngày đầu hoạt động trong kháng chiến, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão kể truyền thống xuyên suốt của Văn phòng Quốc hội suốt 70 năm qua là tinh thần vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông Vũ Mão kể ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội còn phải chủ động tăng gia sản xuất để giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Dù vậy, Văn phòng Quốc hội đã tích cực phục vụ Ban Thường trực Quốc hội Quốc hội khóa I thực hiện tốt mọi nhiệm vụ như tham gia ý kiến về các chính sách lớn của Chính phủ về sản xuất và tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp...; phục vụ Quốc hội trong việc soạn thảo bản Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa vô cùng quan trọng...
Từ khi ra đời đến nay, bộ máy giúp việc Quốc hội tùy theo tổ chức của Quốc hội, đã có 4 danh xưng: Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội (giai đoạn 1946-1960); Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960-1981); Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (1981-1992) và Văn phòng Quốc hội (1992 đến nay). Dù với danh xưng nào, bộ máy giúp việc của Quốc hội ngày càng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng công tác và đóng góp vai trò to lớn trong hoạt động Quốc hội.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đánh giá: "Bộ máy tổ chức tiến triển không ngừng, từ một bộ phận giúp việc của Ban Thường trực Quốc hội trong kháng chiến chống Pháp, đến nay Văn phòng Quốc hội đã phát triển, được kiện toàn với đầy đủ các cục, vụ chuyên môn để giúp việc các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội.
Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên Văn phòng luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác. Văn phòng đã có nhiều tiến bộ cả về nội dung, phương pháp phục vụ; quan tâm đến việc xây dựng nội bộ cơ quan, thực hiện sắp xếp, cải tiến bộ máy làm việc và đạt hiệu quả công tác tốt."
Nhìn nhận công sức của Văn phòng Quốc hội, nhiều vị đại biểu cho rằng vai trò của bộ máy giúp việc thể hiện ở khối lượng và chất lượng các hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Suốt 70 năm qua, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, giúp việc trong tiến trình soạn thảo và hình thành 5 bản dự thảo Hiến pháp và Hiến pháp sửa đổi, hàng trăm dự thảo Luật và Bộ luật, dự thảo pháp lệnh và nhiều dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội ngày càng đổi mới và hoàn thiện hơn trong các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà rõ nét nhất là hoạt động chất vấn, giải trình trước, trong và sau các Kỳ họp của Quốc hội.
Liên tục đổi mới, hoàn thiện
Cùng với sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, bộ máy giúp việc của Quốc hội trong mấy chục năm qua cũng không ngừng đổi mới, hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhắc đến vai trò bộ máy giúp việc của Quốc hội trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội, ông Vũ Mão kể trước nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, các đại biểu thường đọc những bài tham luận chuẩn bị sẵn tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Điều này ảnh hưởng đến tính chủ động của các đại biểu và hạn chế số lượng người phát biểu tại hội trường.
Trước yêu cầu đổi mới, Văn phòng Quốc hội đã đề xuất cải tiến phương thức hoạt động tại kỳ họp. Các đại biểu có trách nhiệm và được quyền phát biểu những ý kiến sâu sắc của mình trước diễn đàn Quốc hội. Chính nhờ đổi mới phương thức và lề lối làm việc nên không khí dân chủ được khởi sắc, hiệu quả đạt cao hơn.
Văn phòng cũng tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Quốc hội. Từ nhiệm kỳ khóa VIII, với tinh thần đổi mới, các đại biểu Quốc hội phải thường xuyên biểu quyết thông qua nhiều vấn đề. Việc biểu quyết bằng cách giơ tay đã làm mất nhiều thời gian của Quốc hội. Trước thực trạng ấy, Văn phòng đã đề xuất với Hội đồng Nhà nước cho được nghiên cứu cách thức biểu quyết bằng điện tử.
Năm 1988, được Hội đồng Nhà nước đồng ý và được sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin, Văn phòng đã cho lắp đặt hệ thống điện tử để phục vụ cho việc biểu quyết ở Quốc hội. Từ năm 1989, Văn phòng đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động của Quốc hội. Những cố gắng nói trên đã giúp việc nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho sự phối hợp, điều hòa trong công tác chỉ đạo chung của hệ thống chính trị.
Cũng theo ông Vũ Mão, Luật Tổ chức Quốc hội mới xây dựng mô hình Văn phòng Quốc hội với những thay đổi rất đáng chú ý. Việc Ban thư ký làm nhiệm vụ thường xuyên cả trong Kỳ họp Quốc hội và giữa hai Kỳ họp Quốc hội là hoàn toàn hợp lý. Có nghĩa là Ban thư ký làm nhiệm vụ của Đoàn thư ký hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp rất tốt giữa Ban thư ký với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong sự phối hợp đó thì vai trò của Tổng thư ký Quốc hội là vô cùng quan trọng.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cũng cho rằng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để có vị thế và tạo thuận lợi cho công việc thì Tổng thư ký được bố trí như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, do vai trò vị trí, chức năng nhiệm vụ của Tổng thư ký là rất nặng nề nên đòi hỏi Tổng thư ký phải là người có tầm, có kiến thức rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng hơn là Tổng thư ký phải là người có tâm, có sự trong sáng trong đạo đức và lối sống, có tính nguyên tắc và nghiêm túc trong công việc đồng thời phải là người có tấm lòng bao dung trong cuộc sống.
Góp ý hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Bùi Ngọc Thanh kể trong thời gian tới, bộ máy giúp việc của Quốc hội cần chú trọng 3 vấn đề: Đầu tiên là cần tiếp tục nâng cao trình độ tổ chức công tác của Văn phòng vì từ cơ cấu tổ chức đơn giản khi mới hình thành, hiện nay Văn phòng Quốc hội có đến 27 đơn vị nghiệp vụ nên cần phân công, phối hợp, gắn kết các mảng công việc hợp lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tiếp đó là cần chú trọng bồi dưỡng trình độ, năng lực nghiệp vụ đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng hoạt động, công tác nhằm phục vụ, đáp ứng yêu cầu công việc của Quốc hội, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới của Quốc hội. Cuối cùng là Văn phòng Quốc hội cần được tăng cường đầu tư, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động, công tác hiệu quả hơn.
Gửi gắm tình cảm, niềm tin vào đội ngũ những người làm công tác tham mưu phục vụ hoạt động của Quốc hội, ông Vũ Mão cũng mong muốn công tác Văn phòng ngày càng nhiều với quy mô và yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao. Vì vậy, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy và hoạt động đáp ứng yêu cầu của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước./.