Hoàn thành tốt hơn mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống người lao động

Việc gia nhập các hiệp định thương mại giúp Việt Nam có thể tham gia vào những thị trường lớn, tạo thêm cơ hội việc làm, nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức cho người lao động.
Hoàn thành tốt hơn mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống người lao động ảnh 1Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc (Khu công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việc gia nhập các Hiệp định thương mại giúp Việt Nam có thể tham gia vào những thị trường lớn trên thế giới, tạo thêm cơ hội việc làm, nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức cho người lao động.

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), phân tích về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm bảo đảm việc làm, đời sống tốt hơn cho người lao động.

Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tăng với môi trường làm việc được cải thiện, đã thu hút nhiều lao động tham gia, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từng bước được cải thiện. Tuy vậy, một số vấn đề đã tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, đó là bảo đảm việc làm bền vững, thu nhập đủ sống, sức khỏe nghề nghiệp, nơi ăn chốn ở, cơ sở giáo dục, an sinh và bảo đảm xã hội… đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là vấn đề sửa đổi chính sách và giám sát thực hiện.

Thu nhập và đời sống của người lao động còn bấp bênh

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, công nhân lao động làm việc trong các ngành nông-lâm-thủy sản thuộc doanh nghiệp nhà nước đã giảm hẳn; công nhân lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ lại tăng nhanh.

Theo số liệu của Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng năm 2018 và tính toán của Viện Công nhân Công đoàn, tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 15,7-16 triệu lao động trong các loại hình doanh nghiệp (tăng khoảng 5,7% so với năm 2017), trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ 8,3%.

Quý 1/2019, tình hình lao động, việc làm của công nhân lao động tiếp tục có diễn biến tích cực. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp khá cao; có sự dịch chuyển một phần công nhân lao động về khu vực nông thôn - nơi có các doanh nghiệp, cụm công nghiệp mới; các doanh nghiệp đã giảm hẳn tình trạng thiếu nhân lực hoặc công nhân lao động bỏ việc sau dịp Tết Nguyên đán như nhiều năm trước.

Tuy nhiên, khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn năm 2018 cho thấy, chỉ có hơn 51% lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; vẫn còn 20,6% lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không đủ chi tiêu, phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Các doanh nghiệp dù đã cải thiện chế độ tiền lương nhưng vẫn có tới 46% công nhân lao động đang bức xúc vì thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc làm bấp bênh, cùng với một số hạn chế trong áp dụng chính sách tiền lương, đã dẫn đến những mâu thuẫn trong quan hệ lao động; số công nhân lao động dư dật, có tích lũy chủ yếu thuộc lao động quản lý, có trình độ chuyên môn cao.

Một trong những bất cập đang tồn tại khá phổ biến trong các khu công nghiệp hiện nay là nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, nên mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động rất thấp. Nhiều nơi, người lao động bị cắt giảm các chế độ phúc lợi, tiền thưởng khi tiền lương tối thiểu và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng.

[Vì đâu tiền lương của công nhân may không đủ sống?]

Bước sang năm 2019, tình hình tiền lương, thu nhập của công nhân lao động tiếp tục được cải thiện và nâng cao một bước nhưng không nhiều. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019 nhưng mức tăng thấp (bình quân chỉ khoảng 5,7%). Nhiều công nhân có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng chỉ được điều chỉnh tăng lên ít, hoặc không tăng.

Bên cạnh đó, việc nâng cao đời sống của người lao động cũng tăng chậm trong những năm qua, nhất là lao động phổ thông, lao động trực tiếp. Khảo sát vấn đề tiền lương của người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện năm 2018 cho thấy, dù có nhiều việc làm được tạo ra, nhưng hầu hết là việc làm sử dụng lao động phổ thông, với tiền lương, thu nhập thấp. Dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy, hải sản là những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất và mức tiền lương, thu nhập cũng thấp nhất trong các ngành.

Điều kiện sống của công nhân lao động được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do sự phát triển của xã hội. Phần lớn người lao động nhập cư vẫn phải sống trong những khu trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu tiện nghi sinh hoạt, thiếu sự giao lưu, chia sẻ, đời sống tinh thần nghèo nàn.

Tiền lương thấp, thu nhập chưa đảm bảo, cùng với chính sách sử dụng lao động thiếu bền vững của nhiều doanh nghiệp dẫn đến sự biến động lao động lớn, số lao động di chuyển, thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới, chấm dứt quan hệ lao động tăng cao.

Kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, không ít công nhân đã bị mất việc và ra khỏi dây chuyền sản xuất sau khi đã làm việc trong thời gian tương đối dài cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển lao động mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số người chấm dứt hợp đồng lao động tăng cao trong năm 2018.

Bên cạnh vấn đề tiền lương còn nhiều bất cập, chính sách bảo đảm việc làm, an sinh xã hội đối với công nhân lao động cũng là vấn đề rất bức thiết. Điều đáng lo ngại là việc làm bền vững của người lao động không được đảm bảo. Hiện có khoảng 2/3 số công nhân, hầu hết là lao động trực tiếp, chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại, 1/3 trong số đó có thái độ tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ và hành động.

Hoàn thành tốt hơn mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống người lao động ảnh 2May giày xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dệt Hà Tây, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Vụ Chính sách Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) năm 2019, tổng số người lao động trong các loại hình doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội là 9,946 triệu người (trong tổng số gần 15 triệu lao động khu vực doanh nghiệp). Nhiều công nhân lao động nữ không được giải quyết chế độ thai sản do doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, hoặc doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Chẳng hạn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) ngày 30/1 đã công bố cho 19.000 lao động thôi việc, trong đó nhiều người là phụ nữ, đang nuôi con nhỏ, không có tiền tích lũy… khiến họ bị rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi chưa tìm được việc làm ngay.

Viện Công nhân Công đoàn đã tổng hợp số liệu của 63 tỉnh, thành phố từ nguồn thông tin của Trung tâm dịch vụ Việc làm Quốc gia cho thấy, số lượng công nhân chấm dứt hợp đồng lao động, lĩnh bảo hiểm xã hội một lần năm 2018 cao hơn năm 2017. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018 cả nước có 762.000 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó nữ chiếm gần 54%. Độ tuổi chấm dứt hợp đồng lao động là khá thấp, chỉ từ 25-34 tuổi.

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và từng bước hội nhập đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam có thể tham gia vào những thị trường lớn trên thế giới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc đòi hỏi áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất đã khiến không ít ngành, lĩnh vực nội địa chịu sức ép cạnh tranh, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Những ngành nghề như dịch vụ, thương mại, và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm đang phải đối mặt với nguy cơ giảm việc làm rất cao...

Thực tế đó sẽ dẫn đến nguy cơ mất việc cho những lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp trong nước hay những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu, do phải đáp ứng những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu...

Sửa đổi các chính sách liên quan đến quyền lợi của lao động

Để hoàn thành tốt hơn các mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống cho công nhân lao động, Nhà nước cần sửa đổi các chính sách và quy định về chế độ bảo vệ tiền lương đủ sống, việc làm bền vững cho người lao động; giải quyết nhà ở, cơ sở giáo dục-đào tạo nghề, y tế, đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục chính trị tư tưởng, an sinh xã hội…công nhân lao động, đặc biệt là bảo vệ lao động trung niên, lao động nữ.

Chính phủ cần sửa đổi các quy định về chuyển đổi, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, thủ tục khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội… để bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động; yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và những chế độ, chính sách về người lao động, đặc biệt là về lương tối thiểu, thang bảng lương, bảo hiểm xã hội… để đảm bảo việc làm, thu nhập và cuộc sống cho người lao động; sớm thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, tiến tới thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu đủ sống cho người lao động theo lộ trình Trung ương Đảng đã xác định.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động linh hoạt, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho công nhân lao động; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể, xã hội đối với vấn đề việc làm, an sinh xã hội của công nhân lao động trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục