Hoàn thành khai quật di tích khảo cổ Phong Lệ

Sau hơn hai tháng thực hiện, giai đoạn khai quật khảo cổ khẩn cấp di tích Phong Lệ đã kết thúc, đạt được các mục tiêu chính đề ra.
Từ tháng 4, Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp di tích Phong Lệ, nằm ở tổ 3, phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Sau hơn hai tháng thực hiện, giai đoạn khai quật khẩn cấp đã kết thúc, đạt được các mục tiêu chính đề ra.

Theo đó, việc khai quật khảo cổ được tiến hành theo đúng yêu cầu chuyên môn, ngăn chặn thất thoát, phát hiện và bảo vệ kịp thời di tích.

Từ 5 hố khai quật với tổng diện tích 206m2 đã phát lộ các nền móng kiến trúc đền tháp Chămpa, có giá trị nghiên cứu về di tích Chămpa, nhất là về kỹ thuật xây dựng móng tháp và một số nội dung liên quan; phát hiện sưu tầm được 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm và đá có nguồn gốc Chămpa với niên đại cách nay khoảng 1.000 năm, bổ sung cho các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Thông qua công tác khai quật đã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân địa phương về công tác bảo vệ di sản văn hóa.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sau khi tiến hành khai quật khẩn cấp, những phần nền móng tháp Chăm đã phát lộ cho thấy đây là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với các ghi chép trong thư tịch của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20.

Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ 9 hiện vật có ghi trong hồ sơ là thu thập được tại địa danh Phong Lệ cách nay một thế kỷ. Di tích khai quật lần này góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu và thuyết minh, giới thiệu về bộ sưu tập hiện vật Phong Lệ nói chung.

Trong khu vực khai quật đồng thời cũng còn một di tích tín ngưỡng của người Việt, nhân dân địa phương gọi là "Dinh Bà." Dòng chữ Hán khắc trên đòn đông có ghi niên đại Tự Đức Nhâm Tuất, tức năm 1862.

Gần đó còn có Miếu âm linh và Miếu thờ Thần hoàng, thổ địa của xóm. Những yếu tố này cho thấy địa điểm trên hội đủ điều kiện để xếp hạng di tích, đưa vào bảo tồn, phục vụ công tác giáo dục và du lịch.

Riêng làng Phong Lệ là một làng cổ, khu vực đang khai quật chỉ là một phần của làng cổ đặc biệt này, còn nhiều nhà vườn, cây xanh, nơi đang tọa lạc nhà thờ của danh nhân Ông Ích Khiêm và những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.

Di tích khảo cổ Phong Lệ nằm ở tọa độ 16 độ 00'08" vĩ Bắc và 108 độ 11'55" kinh Đông.

Từ hơn 100 năm trước, ông C.Pari - chủ đồn điền Phong Lệ đã thu gom ở đây một số tác phẩm điêu khắc bằng đá và đưa về tập trung tại công viên Đà Nẵng.

Sau đó, những tác phẩm điêu khắc này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng H.Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng), còn địa điểm khảo cổ Phong Lệ thì bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, ít người qua lại.

Tháng 3 vừa qua, trong khi làm nhà, gia đình Anh Quang (Công an quận Cẩm Lệ) đã vô tình làm lộ 3 hiện vật bằng đá và một mảng móng tường bằng gạch. Nhận được thông tin này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trực tiếp đến xem và xác định đây là di tích khảo cổ Chămpa.

Theo Luật Di sản, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã làm thủ tục khai quật khẩn cấp khu di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục