Ngày 31/5, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Trung tâm Triển khai Công nghệ Xây dựng miền Trung, thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng-Bộ Xây dựng tiến hành khắc phục sự cố công trình, bước đầu hoàn thành việc gia cố di tích Phu Văn Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế theo đúng nguyên trạng vốn có.
Trong thời gian từ ngày 26-31/5, các đơn vị thi công đã tiến hành gia cường cục bộ toàn bộ các đầu kèo, xà đầu cột, đuôi kèo; liên kết toàn bộ các hệ thống xà thông qua hệ giáo ống bắc bên trong nhà; phục hồi cây cột bị mục gãy, bộ khung gỗ và hệ mái khu vực bị sụp đổ; bổ sung consol gia cường vị trí xà đầu cột quyết ở góc Đông Bắc vừa bị sập và lợp cục bộ khu vực mái lợp bị sự cố.
Theo quan sát tại hiện trường, hiện nay di tích Phu Văn Lâu đã được trả về đúng nguyên trạng; mặt khác, tất cả các vị trí xung yếu khác xung quanh công trình còn được gia cố nhằm đảm bảo công trình được ổn định trong quá trình chờ hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc trùng tu toàn diện công trình.
Cùng với việc khắc phục sự cố, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hiện cũng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục lập dự án, hồ sơ thiết kế trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, để công trình Phu Văn Lâu kịp thực hiện trong năm kế hoạch 2015.
Phu Văn Lâu nằm trước mặt Kinh thành và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc Cố đô Huế: Điện Thái Hòa-Ngọ Môn-Kỳ Đài-Phu Văn Lâu-Nghinh Lương Đình-sông Hương-Ngự Bình.
Từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của kinh thành Huế là Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình. Phu Văn Lâu trước kia là lầu trưng bày văn thư của triều đình.
Phu Văn Lâu có tuổi thọ lâu đời (xây dựng năm 1819, trùng tu lần cuối năm 1993-1995). Trước đó, công trình trải qua một số lần sửa chữa, trùng tu nhưng không triệt để. Cụ thể là trước năm 1975 (trong khoảng 1957-1960) đã thay bộ khung chịu lực bằng bêtông cốt sắt, nhưng vẫn sử dụng một số cột gỗ (tám cột gỗ tại tầng 1 và tám cột bêtông); hệ thống kèo thì cũng sử dụng cả bêtông và kèo gỗ.
Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1993-1995, do khó khăn về kinh phí và điều kiện nên vẫn chưa khắc phục điều này mà vẫn sử dụng bộ khung cũ, chỉ thay ba cột gỗ, tái sử dụng một số cột, kèo khác.
Ngày 15/5, sự cố xảy ra là do đầu một thanh xà gỗ gắn vào cột bêtông ở góc Đông Bắc bị đứt rời phần đầu mộng gắn gá vào đầu cột bêtông, kéo theo sự sụp đổ của một phần góc mái di tích Phu Văn Lâu./.