Hoàn tất đăng ký DN sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc

Việc Bộ Công Thương hoàn tất đăng ký cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2022.
Hoàn tất đăng ký DN sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh 1Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đã hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương theo quy trình đăng ký nhanh.

Điều này nhằm thực hiện trước thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về "Biên pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương trên cả nước về các quy định mới của thị trường nhập khẩu quan trọng này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tích cực trao đổi đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm cung cấp hướng dẫn quy trình triển khai cụ thể các Lệnh nêu trên.

Sau khi nhận được hướng dẫn sơ bộ triển khai đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Lệnh 248 từ Hải quan Trung Quốc ngày 30 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương, hiệp hội ngành hàng hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương đăng ký theo quy trình xét duyệt nhanh để kịp thời hạn trước ngày 31 tháng 10 năm 2021 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề ra.

[Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam-Trung Quốc]

Để tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng “Chuyên trang đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương” và tổ chức “Hội nghị trực tuyến phổ biến những thông tin về quy định mới của Trung Quốc” ngày 27 tháng 10 năm 2021 để hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.

Với những biện pháp chủ động, khẩn trương và tích cực của Bộ Công Thương, cùng sự quan tâm, phối hợp của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 150 bộ hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp trong cả nước.

Căn cứ quy định pháp luật trong nước và yêu cầu, tiêu chuẩn của phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tổng hợp và gửi tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua trao đổi trực tiếp và đường ngoại giao danh sách 88 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương phù hợp điều kiện đăng ký theo quy trình xét duyệt nhanh nêu trên; đúng thời hạn cơ quan chức năng Trung Quốc đề ra.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì) phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 và Lệnh số 249 của Trung Quốc.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được duy trì ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục