Hoàn tất cưỡng chế dự án cải tạo chung cư 93 Láng Hạ trong tháng 11

Trong tháng 11 sẽ hoàn thành việc cưỡng chế hộ dân cuối cùng tại dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ để sớm thực hiện công trình đang bị trì hoãn vì sự “chây ì” của hộ dân duy nhất này.
Hoàn tất cưỡng chế dự án cải tạo chung cư 93 Láng Hạ trong tháng 11 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Tại buổi làm việc với báo chí chiều 12/11, Công ty Cổ phần Bất động sản Vinaconex (đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty CP Vinaconex) và Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) khẳng định trong tháng 11 sẽ hoàn thành việc cưỡng chế hộ dân cuối cùng tại dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ để sớm thực hiện công trình đang bị trì hoãn vì sự “chây ì” của hộ dân duy nhất này.

Từ tháng 5/2011, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000992 cấp cho Công ty Cổ phần Bất động sản An Thịnh về việc thực hiện Dự án cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 tại số 93 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Sau đó, đến tháng 12/2015, Tổng công ty CP Vinaconex đã hoàn tất mua 99,98% cổ phẩn từ các cổ đông của Công ty CP Bất động sản An Thịnh và đổi tên thành Công ty CP Bất động sản Vinaconex.

Tháng 5/2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có Văn bản số 2682/UBND-KH&ĐT về việc điều chỉnh thông tin về nhà đầu tư Dự án cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 (Khu Nam Thành Công) tại số 93 phố Láng Hạ; trong đó, chấp thuận điều chỉnh thông tin về nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP Bất động sản Vinaconex.

[Mới chỉ 1% chung cư cũ ở Hà Nội được cải tạo, xây dựng lại]

Phó Tổng giám đốc Vinaconex - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bất động sản Vinaconex Dương Văn Mậu chia sẻ kể từ khi trở thành chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ, Công ty đã nhanh chóng mời 118 hộ dân sở hữu các căn hộ chung cư cũ tại đây họp để xin ý kiến về phương án cải tạo, xây mới với tỷ lệ đồng thuận cao.

Chỉ sau khoảng 8 tháng, đã có 106 hộ dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng ngay cho chủ đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn 12 hộ dân ở tầng 1 không phản đối phương án cải tạo xây mới chung cư nhưng chưa đạt thỏa thuận về hệ số đền bù như mong muốn. Các hộ này đòi hệ số đền bù chênh quá cao so với khung quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (là từ 1,1-1,4 lần diện tích sổ đỏ).

Để đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cải thiện bộ mặt đô thị tại khu vực này, Công ty CP Bất động sản Vinaconex đã áp dụng cơ chế đền bù diện tích cho các hộ dân đang sinh sống tại đây với hệ số trung bình xấp xỉ 2,5 lần. Đây là mức thỏa thuận cao hơn so với khung quy định và được nhiều hộ dân đồng tình. Ngoài ra, các hộ dân tầng 1 còn được bố trí một kiốt ở tầng thương mại để kinh doanh với diện tích từ 18-30m2.

Sau khi hoàn thành, dự án có tên thương mại là Green Building với chiều cao 27 tầng; trong đó có năm tầng trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ và bể bơi 4 mùa bố trí tại tầng 5. Tòa nhà có ba tầng hầm rộng hơn 5.000m2 sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu đỗ xe cho toàn dự án. "Với năng lực thi công, Vinaconex cam kết sẽ hoàn thành dự án trong vòng 24 tháng kể từ khi nhận được mặt bằng sạch," ông Mậu khẳng định.

Ông Trần Ngọc Lương - Tổ phó Tổ dân phố 21 (Nhà L1, L2 - 93 Láng Hạ) - cho biết đa số người dân đã đồng thuận nhưng vẫn còn trên chục hộ chưa đồng tình khiến dự án “mắc kẹt.” "Hệ số họ đòi hỏi quá cao khiến chủ đầu tư không đáp ứng được. Trong khi đó, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng chỉ mong dự án nhanh triển khai để họ được trở về sinh sống tại chung cư mới tiện ích. Mấy năm phải tạm cư nơi khác khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhất là việc học hành của trẻ nhỏ," ông Lương cho biết.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Láng Hạ cũng cho hay doanh nghiệp và chính quyền đã tổ chức được 13 buổi họp tại đại bàn dân cư. Về pháp lý, từ phường, quận đến thành phố đã làm đúng theo chủ trương chung và quy định. Dự án này tỷ lệ đền bù so với một số dự án khác trên cùng địa bàn đã cao hơn. Bởi vậy, không thể vì một số hộ chây ì với các đòi hỏi không thể đáp ứng mà để ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa - đến thời điểm này, trong số 12 hộ dân bám trụ tại dự án này đã có 11 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư quản lý, phá dỡ để khởi công công trình - đạt tỷ lệ 99,15%. Như vậy, dự án chỉ còn duy nhất 1/118 hộ dân chây ì bám trụ là chủ căn hộ 107 L1. Tuy nhiên, trong tháng 11, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cưỡng chế căn hộ duy nhất tại dự án L1,L2 số 93 Láng Hạ để không ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án đã bị kéo dài bấy lâu nay vì chưa có mặt bằng sạch.

Ông Giáp cho rằng cần sớm có chính sách khung về cải tạo chung cư cũ bởi hiện nay thường chia thành ba nhóm: nhà cấp độ nguy hiểm (loại D); cải tạo theo quy hoạch hoặc theo đề nghị của chủ đầu tư và được người dân đồng thuận. Mặc dù các quy định liên quan đến cải tạo chung cư cũ đã rất rõ nhưng vẫn đang bỏ ngỏ ở khâu tự thỏa thuận tỷ lệ đền bù.

"Nếu cứ yêu cầu phải đạt 100% hộ đồng thuận thì sẽ rất khó bởi người dân mỗi hộ một ý, rất khác nhau. Chủ yếu vẫn là vướng mắc ở các hộ dân tầng 1 bởi họ đòi hỏi quyền lợi cao hơn hẳn và có nhiều diện tích bao chiếm," ông Giáp phân tích. Bởi vậy, không thể để một hộ dân làm ảnh hưởng đến toàn thể dự án.

Phía chủ đầu tư cho biết phương án đưa ra cho chủ căn hộ 107 L1 chung cư 93 Láng Hạ là được nhận căn chung cư có diện tích 146m2 cùng kiot thương mại rộng 30m2 cùng tiền hỗ trợ tạm cư trong thời gian thi công dự án. Tuy nhiên, chủ căn hộ 107 L1 đưa ra yêu cầu tăng gấp 3 lần cho diện tích trong sổ đỏ (59,7m2) và phần diện tích gia đình cơi nới (khoảng 20m2) phải được nhân theo hệ số 1,8. Ngoài ra, gia đình này còn yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ tiền thuê nhà với mức 40 triệu đồng/tháng. Đây là đòi hỏi quá cao mà chủ đầu tư không thể đáp ứng.

Bàn về vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng với chủ trương xã hội hóa, nhà nước đã giao cho chủ đầu tư cả nhiệm vụ điều tra xã hội học, tự thỏa thuận với dân, tự lập quy hoạch để trình lên cơ quan quản lý phê duyệt. Điều này là làm ngược vì quản lý quy hoạch và xây dựng quy hoạch là trách nhiệm của nhà nước. Trong khi đó, để đạt được thỏa thuận, chủ đầu tư phải tăng hệ số đền bù giải phóng mặt bằng khiến họ gặp khó khăn và không mặn mà với chương trình cải tạo chung cư cũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục