64% số người phụ trách doanh nghiệp ở Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được hỏi ý kiến cho rằng một khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được xây dựng, sẽ nhanh chóng tiến vào thị trường các khu vực khác.
Đây là kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Kearney và công ty quảng cáo JWT.
Báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp trong khu vực cần quy hoạch chiến lược mới, để đón trước sự cạnh tranh quyết liệt sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời.
ASEAN đang ngày càng tiến gần đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015: hoàn thành 279 dự án trong các biện pháp kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế, tỷ lệ hoàn thành đạt 79,9%.
Hiện sáu nước ASEAN, gồm Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã xóa bỏ 99,65% thuế quan, trong khi bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã giảm 98,86% thuế quan nhập khẩu hàng hóa xuống dưới 5%.
Theo yêu cầu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, về mặt hàng hóa, cần phải lần lượt đưa ra thời gian biểu miễn giảm thuế quan sản phẩm thông thường và sản phẩm nhạy cảm vào năm 2015 và năm 2018. Về mặt dịch vụ, các nước cần từng bước nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần vốn nước ngoài trong ngành dịch vụ lên 70% vào năm 2015.
Trong bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế còn nhiều bất ổn, việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Theo một số chuyên gia phân tích, 20% dự án còn lại cần “đạt chuẩn” chính là phần khó khăn nhất.
Thực lực kinh tế của 10 nước ASEAN có khác biệt khá lớn, phát triển không đồng đều là khó khăn lớn trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế khu vực.
Tờ Bưu điện Bangkok của Thái Lan bình luận: “Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có Singapore có đủ toàn bộ điều kiện. Một số nước tương đối "khá giả" trong ASEAN cũng chưa thực sự chuẩn bị tốt, chứ chưa nói đến các nước kinh tế chưa mấy phát triển như Lào hay Campuchia”./.