Hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC đã phải hoãn lại do nhiều bị cáo, bị hại vắng mặt.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết vắng mặt trong phiên xét xử xét xử phúc thẩm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 26/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC); tuy nhiên, do nhiều bị cáo, bị hại vắng mặt nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.

Ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thư ký phiên tòa cho biết, bị cáo Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) có đơn xin vắng mặt và đơn xin hoãn phiên tòa. Cả 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Quyết cũng vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.

Bên cạnh đó, Thư ký phiên tòa cho biết, có 135 bị hại kháng cáo, trong đó có 4 bị hại có mặt, 35 bị hại có đơn xin hoãn xét xử, còn lại vắng mặt không có lý do.

Trong 384 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có 135 người có mặt, 85 người có đơn xin vắng mặt, còn lại vắng mặt không có lý do. Ngoài 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Quyết, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo khác cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa, đại diện Trại tạm giam T16 cho biết, ngày 23/12, Trại tạm giam T16 có công văn về việc xác nhận tình trạng sức khỏe của bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị tại khoa Lao, Bệnh viện 198 Bộ Công an.

Ngày 24/12, Bệnh viện 198 có văn bản xác nhận bị cáo Trịnh Văn Quyết bị hen phế quản, ho lao, ho ra máu, dị ứng thuốc dẫn đến suy gan, suy thận. Bệnh viện cho rằng sức khỏe của ông Quyết không đảm bảo, cần được điều trị và theo dõi tích cực.

Trình bày quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đây là phiên tòa phúc thẩm mở ra lần đầu, các bị hại kháng cáo, bị cáo kháng cáo có đơn xin hoãn phiên tòa, phiên tòa lại vắng mặt một số bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tạm hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đồng ý với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát và bị cáo cùng các luật sư bào chữa đã quyết định hoãn phiên tòa.

Trước đó, đầu tháng 8/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán," tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quyết có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bồi thường được hơn 600 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán.

Theo bản án sơ thẩm xác định, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Trịnh Văn Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và em gái là Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục