Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn trong 2 ngày 14-15/10 gây nhiều thiệt hại cho các địa phương.
Tại tỉnh Nam Định, mưa lớn đã làm bong bật 14 cấu kiện lát mái, mái kè bị võng, sâu 0,15m tại Kè Đinh Mùi (đê biển Hải Hậu); mái kè Hải Thịnh (đê biển Hải Hậu) bị sụt sạt, sâu 0,6m; xói lở lề dốc từ trạm đo sóng lên đê biển Hải Hậu kích thước, sâu 0,7m.
Tại Hà Nội, sạt lở mái đê hạ lưu đê tả Đáy (đê cấp I) đoạn từ Km 51+987 đến Km 52+516 và đoạn Km 79+580 đến Km 79+640, chiều dài cung sạt 40m, rộng từ 8-10m, đỉnh cung sạt sát mép mặt đê; sự cố lún nứt mặt đê hữu Đáy (đê cấp IV) tại vị trí cống trạm bơm Tân Độ xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức với chiều dài lún nứt khoảng 20m, sâu khoảng 0,8m.
Tỉnh Thái Bình xuất hiện 2 lỗ rò tại đê bối An Hạ 1 phía ngoài cửa sông tả Hồng, đường kính 25cm.
Các địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử lý, cắm biển cảnh báo, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương án đảm bảo an toàn đê.
Mưa lớn tại tỉnh Lào Cai đã làm 1.470m3 đường giao thông bị sạt lở; 59m kênh mương, cầu máng bị hư hại...
Tỉnh Nghệ An sạt lở taluy âm, taluy dương 28 vị trí (Quốc lộ 21 vị trí, Tỉnh lộ 7vị trí); 4 vị trí bị ngập 0,5m; 1 mố cầu bị sạt lở, lở 600m bờ sông Lam, 5,83ha lúa bị gãy đổ; 46,77ha hoa màu bị ngập; 5,95ha cá bị cuốn trôi...
[Mưa lũ gây sạt lở, ngập một số điểm trên các tuyến quốc lộ ở Thanh Hóa]
Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các địa phương triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra./.