Sự phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không đã làm cho cơ hội nhiều người dân đã được đặt chân lên máy bay. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này chính là chất lượng dịch vụ có tương xứng khi chậm hủy chuyến, hạ tầng quá tải và nguồn nhân lực thiếu trầm trọng đã và đang là bài toán đau đầu với các hãng hàng không và cơ quan quản lý Nhà nước.
Bức xúc vì thông tin chậm trễ
Trong hai ngày vừa qua, các chuyến bay của hãng hàng không Vietjet từ các sân bay Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất đến các chuyến bay quốc tế như Đài Bắc, Bangkok... đồng loạt bị huỷ đã khiến nhiều hành khách thở dài ngao ngán, bức xúc với cảnh vật vờ chờ đợi tại sân bay.
Điều khiến nhiều hành khách bức xúc nhất là cách hành xử của hãng khi sự cố xảy ra, thay vì thông báo sớm hơn để hành khách chủ động thì Vietjet lại thông báo quá gấp. Hay, khi chuẩn bị đến giờ tàu bay khởi hành sau khi chậm chuyến, hãng này tiếp tục cho đổi giờ bay tới cả chục tiếng đồng hồ đã khiến nhiều người trở tay không kịp.
Một số hành khách của chuyến bay Vietjet đã buộc phải bỏ ra số tiền lớn mua vé bay giờ chót [vé bán tại sân bay với mức giá cao-PV] của hãng hàng không khác cho kịp chuyến bay để thu xếp các kế hoạch công việc đang chờ sẵn.
[Vietjet: Không có chuyện đình công khiến nhiều chuyến bay bị hủy]
Theo thông tin từ các đại lý vé máy bay, đã có khoảng 150 chuyến bay của Vietjet bị huỷ, chậm chuyến kéo dài tại các sân bay trên cả nước, nguyên nhân có thể là do phi công của hãng đang đình công và thiếu tổ bay vận hành.
Vietjet đã lên tiếng giải thích nguyên nhân của việc phải điều chỉnh thời gian khởi hành hàng loạt các chuyến bay là do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của hãng. Tuy nhiên, Hãng đã không thể xoa dịu được sự phẫn nộ từ những “thượng đế” hay đại lý vé máy bay khi liên tục nhận được những phản ứng gay gắt từ phía người mua.
Thậm chí, một số đại lý bán vé máy bay cho rằng, do vào mùa cao điểm nhu cầu đi lại hành khách tăng cao, Vietjet tăng cường chuyến bay nhưng vì không đủ máy bay phục vụ nên hãng này thuê ướt máy bay [hãng hàng không thuê lại chiếc máy bay từ đơn vị cho thuê, bao gồm cả bảo hiểm, phi hành đoàn, kỹ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng và các trang thiết bị hỗ trợ đi kèm- PV] nhưng do chậm trễ đã làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của hãng là vô lý.
“Nếu vì máy bay mới hoặc thuê ướt không về kịp thì hãng chỉ hủy những chuyến tăng cường, vậy tại sao Vietjet lại hủy dây chuyền hàng trăm chuyến và kéo dài tận tới hai ngày vừa qua,” đại diện một đại lý bán vé máy bay bày tỏ sự nghi ngờ.
Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm về chậm hủy chuyến bay, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia giao thông đều bày tỏ, khi hoãn hủy chuyến, hành khách rất muốn được biết nguyên nhân dẫn đến việc này do khách quan hay chủ quan và điều cần làm trước tiên phải là thông tin kịp thời về sự chậm trễ đó để nhận được sự chia sẻ từ hành khách. Còn chậm, huỷ chuyến do nguyên nhân chủ quan liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực... tất cả những điều này phải kiên quyết khắc phục.
Thiệt hại và giảm uy tín thương hiệu
Theo một chuyên gia hàng không, trong các trường hợp chậm hủy chuyến, nếu hãng hàng không có đội tàu bay nhiều sẽ huy động các tàu bay dự phòng cho những trường hợp hay sự cố bất ngờ, linh hoạt để bù trừ.
“Vietjet hiện mới có 64 tàu bay trong khi khai thác thực hiện gần 400 chuyến bay mỗi ngày cho đường bay nội địa và quốc tế. Điều đó cho thấy, hệ số quay vòng tàu bay của hãng này khá lớn. Trong điều kiện tăng thêm chuyến bay, khi có sự cố chậm hủy chuyến dây chuyền hàng loạt, Vietjet sẽ khó giải quyết nhanh chóng,” vị chuyên gia này nhìn nhận.
[Lịch bay của hãng hàng không Vietjet sẽ trở lại bình thường từ 16/6]
Thậm chí, chuyên gia này còn đặt vấn đề nghi ngờ về việc chậm hủy chuyến dây chuyền của Vietjet có thể từ việc thiếu hụt nhân lực phi công, tổ bay hoặc phi công đã bay quá giờ trong tháng (theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, phi công không được khai thác bay quá 100 giờ bay một tháng) nên sợ bị “tuýt còi” và thu hồi bằng lái.
Liên quan đến vấn đề này, tại những lần khảo sát thực tế, công tác chậm hủy chuyến và sự chuẩn bị của các hãng hàng không nhằm hạn chế tối đa thực trạng này, lãnh đạo các hãng hàng không nhấn mạnh, không một hãng bay nào lại muốn để xảy ra chậm, huỷ chuyến bởi cứ chậm một phút, Vietjet Air thiệt hại khoảng 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) về chi phí (thực hiện chính sách bồi thường hành khách, thời gian quay vòng tàu bay, chi phí dịch vụ mặt đất… ).
“Không chỉ thiệt hại về tài chính, hãng còn mất uy tín với khách hàng, trong khi hành khách bị ảnh hưởng về thời gian đi lại,” đại diện các hãng bay này chia sẻ.
Trước đó, trả lời về các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thêm, nguyên nhân chậm, hủy chuyến hiện nay chủ yếu tới từ lý do khai thác của các hãng hàng không.
Theo ông Thắng, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam hiện vào khoảng 15%, so với các nước trong khu vực không phải cao. Tuy nhiên, có một số chuyến bay bị chậm kéo dài, nhưng các hãng ứng xử với hành khách chưa chuyên nghiệp, gây ra bức xúc.
“Tới đây, Cục Hàng không sẽ bổ sung thêm chế tài, nếu Slot bay (giờ hạ, cất cánh) của hãng nào có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao sẽ bị thu hồi Slot bay, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không bổ sung thêm máy bay dự bị, để tăng khả năng điều động dự phòng,” ông Thắng nói.
Ngoài vấn đề hạ tầng hàng không, muốn biết phát triển bền vững, đại diện một số hãng bay và cơ quan quản lý Nhà nước nhấn mạnh đến việc rất quan trọng phải chuẩn bị được nguồn nhân lực cho phát triển. Nếu hãng bay không có nguồn nhân lực tốt, đặc biệt khi ngành hàng không đòi hỏi nhân lực chất lượng rất cao thì sẽ khó đáp ứng tiêu chuẩn để phát triển bền vững./.
Được biết, ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không trước tình trạng thiếu nhân lực cản trở sự phát triển của ngành. Bộ này cần báo cáo Thủ tướng trong tháng Sáu này. Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước đã tăng liên tục nhiều năm gần đây, cùng với thị trường đón nhận thêm những hãng bay mới, đang khiến nguồn nhân lực trong ngành căng thẳng, đặc biệt là vị trí phi công, kỹ thuật viên tàu bay. |