Sáng 15/6, tại trạm biến áp 500kV Ô Môn (Cần Thơ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gắn biển thi đua cho công trình "Nâng công suất trạm biến áp 500kV Ô Môn" do Công ty Truyền tải điện 4 quản lý và vận hành.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 4, cho biết công trình có tổng mức đầu tư hơn 228,1 tỷ đồng, khởi công ngày 6/3 và đóng điện mang tải lúc 17 giờ ngày 24/5, hoàn thành sớm hơn 37 ngày so với kế hoạch Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia giao. Trong khi thời gian thi công đối với một dự án cấp điện áp 500kV tương tự là hai năm.
Nhờ vậy, công trình làm lợi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá trị khoảng 54 tỷ đồng, chưa tính đến phần làm lợi khi hạn chế tối đa việc huy động công suất nguồn nhiệt điện chạy dầu trong thời gian cắt khí để sữa chữa, bảo dưỡng đường ống và hệ thống phân phối khí cấp cho Nhà máy nhiệt điện Cà Mau.
Đến nay, công trình đã truyền tải an toàn với sản lượng hơn 295,6 triệu kWh cho khu vực các tỉnh miền Tây.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh đây là công trình có sự đóng góp nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, tập trung sức người, sức của của cán bộ công nhân Công ty Truyền tải điện 4, đồng thời có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị ở khu vực miền Tây Nam Bộ.
Việc nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn sẽ đảm bảo việc cung cấp điện đủ cho khu vực miền Tây và Campuchia, không cần huy động các tổ máy chạy dầu của Ô Môn có giá thành rất cao, đặc biệt trong mùa khô này. Đồng thời vừa khai thác được các nguồn điện có giá thành rẻ, tăng cường độ ổn định và vận hành kinh tế của hệ thống điện Quốc gia.
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, khẳng định đây là trạm biến áp 500kV duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với vai trò quan trọng này, Tổng Công ty tìm nhiều giải pháp cùng Công ty Truyền tải điện 4 đưa công trình vào vận hành trước tháng Sáu.
Công trình hoàn thành đảm bảo an toàn và chất lượng, đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải ở miền Tây Nam bộ cho những năm tới, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Đảng bộ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020.
Thành công của công trình cũng thể hiện sự quyết tâm của Công ty Truyền tải điện 4; trong đó nổi lên nhiều tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 Võ Đình Thủy, hiện nay các nhà máy điện cung cấp chủ yếu cho lưới điện khu vực miền Tây là Cà Mau, Ô Môn 1, Cần Thơ và Duyên Hải 1 với tổng công suất 3.257 MW. Tuy nhiên, chỉ có Nhà máy nhiệt điện Cà Mau với công suất 1.460MW thường xuyên phát điện trên lưới. Vì vậy, khi nhà máy này bị sự cố hoặc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ thiết bị, đường ống dẫn khí ... cần phải huy động các nhà máy nhiệt điện chạy dầu với giá cao nhưng vẫn không đủ công suất cung cấp đủ điện cho khu vực miền Tây.
Để giải quyết tình trạng trên, EVN và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia kiến nghị nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn từ 1.050MVA lên 1.500MVA trong năm 2015.
Bộ Công Thương cũng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án này vào Quy hoạch Điện VII.
Triển khai công trình, Công ty T ruyền tải điện 4 được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chấp thuận giải pháp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng vị trí xây dựng móng máy biến áp 900 MVA.
Công ty đã giám sát chặt chẽ đơn vị thi công, tăng cường phương tiện và nhân lực, làm việc tăng ca để hoàn tất việc xây dựng phù hợp với tiến độ vận chuyển máy biến áp và tiến độ lắp thiết bị cho dự án, giảm thời gian từ 56 ngày xuống còn 23 ngày.
Chủ động về vật tư thiết bị, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia điều động máy biến áp 500kV , công suất 900MVA dự phòng của Công ty Truyền tải điện 1 để lắp đặt cho dự án Nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn.
Ngoài ra, Công ty Truyền tải điện 4 còn chủ động rà soát vật tư tồn kho để sử dụng cho dự án đảm bảo tiến độ và phù hợp với chủ trương tối ưu hóa chi phí của Tổng Công ty.
Lưới điện khu vực miền Tây trải dài từ bờ Nam sông Tiền đến mũi Cà Mau qua 10 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh./.