"Hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về biển, hải đảo là yêu cầu cấp thiết"

Theo Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Phạm Ngọc Sơn, việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp phục vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo là một yêu cầu rất cấp thiết để "làm chủ biển khơi"
"Hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về biển, hải đảo là yêu cầu cấp thiết" ảnh 1Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và biển đảo Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với đường bờ biển dài trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta rộng gấp hơn ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể. Thêm vào đó, việc quản lý cũng còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển.

Trong bối cảnh như vậy, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Ngọc Sơn, việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp phục vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo là một yêu cầu rất cấp thiết, nhằm “tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về quản lý toàn diện và hiệu quả.”

- Theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp toàn thể chiều ngày 27/11 tới.Vậy, ông có thể cho biết đôi nét về những định hướng cơ bản mà chúng ta sẽ đưa vào đạo luật này?

Ông Phạm Ngọc Sơn: Trong thời gian qua, việc khai thác tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thế nhưng có một tình trạng là hiện nay tài nguyên biển chủ yếu được quản lý theo ngành và được điều chỉnh bởi các Luật khác nhau.

Vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta chỉ quản lý tài nguyên biển và hải đảo theo chuyên ngành, không có sự điều phối, phối hợp hiệu quả thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn lợi ích khai thác và bảo vệ, thậm chí có sự chồng chéo lẫn nhau, gây tổn hại đến hệ sinh thái, môi trường biển và hải đảo.

Ví dụ, quá trình khai thác và nuôi trồng thủy sản nếu không xem xét trong mối quan hệ với các loại tài nguyên khác có thể ảnh hưởng đến du lịch; khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến di tích, cảnh quan môi trường…Do vậy, nếu chúng ta chỉ tổ chức quản lý khai thác, sư dụng tài nguyên theo ngành sẽ nảy sinh nhiều bất cập, đòi hỏi chúng ta phải áp dụng cách quản lý mới là quản lý tổng hợp.

Ở nước ta, phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo mặc dù đã được quy định và thực hiện theo Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, tuy nhiên, thực tiễn công tác này trong những năm qua cho thấy còn một số vấn đề tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp, thống nhất đặt ra.

Thứ nhất là Nghị định 25/2009/NĐ-CP chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm, công cụ, cơ chế để quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thứ hai, do tính pháp lý thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định.

Ngoài ra, Luật biển Việt Nam cũng mới chỉ quy định một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, do đó, chúng ta phải nâng tầm pháp lý của các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên trong Nghị định số 25/2009/NĐ-CP, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp, bổ sung những vấn đề mới phát sinh để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ được môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nhu cầu rất cần thiết để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển của nước ta.

- Như ông nói thì các lĩnh vực ở trên biển đã có các luật riêng, vậy sự “ra đời” của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện nay, liệu có sự chồng chéo so với các luật khác hay không?

Ông Phạm Ngọc Sơn: Như tôi đã đề cập ở trên, việc thực hiện Nghị định 25/2009/NĐ-CP đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vì công cụ quản lý còn hạn chế và tính pháp lý chưa cao, nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Ở luật mới này, mục tiêu là làm sao để triển khai có hiệu quả hơn phương thức quản lý tổng hợp và bảo vệ được môi trường.

Với phương châm “không làm thay luật chuyên ngành, không chồng chéo với các luật chuyên ngành,” Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng một loại tài nguyên cụ thể đã được các luật chuyên ngành quy định mà chỉ quy định các cơ chế công cụ điều phối, phối hợp giữa các ngành, các cấp bảo đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, lợi ích giữa các bên liên quan được hài hòa, môi trường biển được bảo vệ.

- Vậy dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ra đời, liệu nó có thể giải quyết được những bất cập, chồng chéo trong việc quản lý và khai thác tài nguyên biển và hải đảo hiện nay, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Sơn: Dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo lần này, mục tiêu là nhằm thể chế hóa phương thức quản lý tổng hợp, bảo đảm nguyên tắc không làm thay quản lý ngành mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành. Luật cũng hướng đến mục tiêu khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý ngành, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển.

Từ đó, dự kiến sẽ quy định các công cụ, cơ chế để quản lý như: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên; Chương trình điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển…

Tôi tin rằng cùng với các quy định của Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành sẽ thiết lập được khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả tạo ra được bước chuyển biến mạnh mẽ với phương thức quản lý tổng hợp, toàn diện để khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ được môi trường biển, hải đảo; bảo vệ di sản văn hóa liên quan đến biển, hải đảo và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước./.

Xin cảm ơn ông !


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục