Không biết rồi đây trên dòng Pô Cô có còn thuyền độc mộc nữa không, khi mà nó đang dần trở thành hoài niệm. Rồi đây sẽ chẳng còn ai nhớ đến nó. Giờ chỉ còn được vài người biết đẽo thuyền nhưng cái tuổi đã cao, cái lưng đã gù.
"Mà nhiều người cũng nghỉ lâu rồi, không đẽo thuyền nữa, có lẽ chỉ còn tôi là vẫn miệt mài với nghề. Nó đã ăn vào máu, thịt rồi. Nhưng khi mình về với Yàng (trời) thì không biết sẽ còn ai biết mà làm. Có lẽ vài năm nữa sẽ chẳng ai ở dọc dòng sông Pô Cô này nhớ đến thuyền độc mộc”.
Già Rah Lan Pêng ở làng Nú (quê hương của A Sanh-người lái đò Anh hùng trên sông Pô Cô huyền thoại) xã Ia Khai, huyện Iagrai (Gia Lai) đã trút bầu tâm sự với tôi khi được nhắc tới thuyền độc mộc.
“Luật” của nghề
Tính đến năm nay, già Pêng đã qua 60 mùa rẫy, trong đó “thâm niên” đẽo thuyền độc mộc là hơn 30 năm. Trong những sản phẩm của già có 2 chiếc thuyền đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà rông văn hóa huyện Ia Grai.
Có lẽ đã quá lâu không được ai nhắc đến nên khi tôi hỏi chuyện bao nhiêu hoài niệm về nghề cứ lần lượt trở về và được ông kể lại trong niềm hứng khởi.
Mọi việc bắt đầu bằng việc vào rừng chọn cây. “Đó phải gỗ Sao, vừa bền, vừa nhẹ. Cây phải thẳng vút, to bằng 2 người ôm”. Tuy nhiên đó không phải là tất cả.
Già Pêng kể rằng khi đẽo thuyền độc mộc cũng phải tuân thủ các “luật” mà bao đời nay các thế hệ “nghệ nhân” vẫn truyền dạy cho nhau. Khi vào rừng tìm gỗ phải tuân theo “luật” của chim Pơ Lang. Nó kêu ở trước thì đó là tín hiệu dẫn đường cho mình tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nếu nó kêu ở phía sau thì phải quay về để tránh gặp điều không may.
Nhiều người đã phải đổ máu trong rừng vì không tuân theo “luật” này. Bản thân già Pêng cũng đã nhiều lần chứng kiến rồi nên thấm được cái “luật” bất thành văn trên. Khi đã chọn được gỗ, người thợ phải dùng rìu để hạ cây rồi chặt tỉa những cành cây nhỏ. Sau đó dùng những cành nhỏ ấy để nấu cơm cúng Yàng, lúc này việc đẽo thuyền mới được tiến hành.
“Khi đẽo thuyền mình phải ở trong rừng luôn. Có khi làm 1 thuyền mất cả tuần ăn, ngủ trong rừng mới xong”. Ngoài các dụng cụ như rìu, rìu bào và cuốc chim thì người đẽo phải có con mắt tinh tường cùng đôi tay khéo léo để tính toán làm sao đẽo cho cân đối, nhất là ở hai mạn thuyền để khi hạ thủy thuyền sẽ không bị nghiêng.
Khi mọi việc xong, kéo thuyền ra bến, lật úp lại và lúc này lại cúng Yàng thêm 1 lần nữa. Tại đây người ta phải đặt quả trứng lên lưng thuyền để cầu may, mong cho thuyền không gặp sự cố, lúc này thì thuyền mới có thể đưa vào sử dụng. “Người ta làm thuyền không ai tính toán tiền bạc, nhất là làm cho người trong làng, chỉ bữa rượu ghè là vui rồi”, già nói.
Biết ra sao ngày sau?
Chẳng riêng gì tại Gia Lai mà cả khu vực Tây Nguyên chưa ai thống kê chính thức về số “nghệ nhân” đẽo thuyền độc mộc đang còn làm nghề, nhưng chắc chắn con số này rất ít và đang dần một thưa thớt theo dòng thời gian.
Tại làng Nú hiện chỉ còn 3 người là già Pêng, già Duit- anh ruột già Pêng, và già HMơnh, là những người cuối cùng biết đẽo thuyền của cả huyện. Tại đây, nay vẫn tồn tại 2 bến đò nhỏ cách nhau 1km, nơi ngày trước người anh hùng A Sanh cùng mọi người ngày ngày hóa trang thành những người đánh bắt cá đợi đến khi đêm về lại lái đò để chở bộ đội vượt sông Pô Cô qua huyện Sa Thầy (Kon Tum) và ngược lại.
Những lúc cao điểm như năm 1967, khi bộ đội đánh đồn Chưpăh, mỗi đêm đội lái đò này đã phải lái hàng trăm chuyến đò chở bộ đội vượt qua mưa bom bão đạn để làm nhiệm vụ.
Ngày nay, thuyền độc mộc trở thành phương tiện để mọi người đi lại, mưu sinh. Cũng từ con thuyền này nhiều mối tình đẹp đã hình thành rồi bao lứa đôi nên duyên.
Tuy nhiên trên quê hương A Sanh bây giờ, những chiếc độc mộc có nguy cơ trở thành quá khứ. Già Pêng nói: “Ngày trước mình muốn vào rừng tìm cây dễ lắm, muốn là chặt, còn giờ thì phải xin... Nếu được chủ rừng (các lâm trường) đồng ý thì mình mới dám chặt cây, còn không thì thôi”.
Ngoài ra để tìm được một cây gỗ Sao ưng ý giờ cũng khó nên thuyền độc mộc ngày càng mai một. Trong khi đó, các thuyền làm bằng sắt, tôn... dễ mua lại có mặt ở khắp nơi. Đó là lý do của sự mai một nhưng không phải là tất cả.
Hiện tại có lẽ chẳng một thanh niên trai tráng trong làng nào lại đam mê, yêu thích nghề đẽo thuyền độc mộc nữa trước sự xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa mới.
Như đã nói trên, cả làng Nú hiện còn 3 già biết đẽo nhưng thực chất giờ chỉ còn mỗi già Pêng là còn làm, còn già Duit, già HMơnh thì ít tham gia bởi tuổi già không còn cho phép người ta vào rừng tìm gỗ, ăn ở trong rừng cả tuần để làm ra một sản phẩm. Đó là làng Nú còn may mắn chứ các làng bên cạnh chẳng còn kiếm được một ai nên cách đây 2 năm một số làng đã phải qua nhờ các già làm giúp.
Con cháu, không chỉ trong làng mà cả trong nhà của các già, chẳng một ai theo học nghề đẽo thuyền độc mộc.
Số phận thuyền độc mộc sẽ ra sao nếu một ngày nào đó không còn được chặt gỗ Sao, một ngày nào đó các già Pêng, Duit, HMơnh không còn nữa? Lẽ nào rồi đây, dòng Pô Cô huyền thoại này sẽ phải mang trong mình nỗi nhớ da diết chiếc thuyền độc mộc dài, mảnh và sắc, rẽ nước lao vun vút./.
"Mà nhiều người cũng nghỉ lâu rồi, không đẽo thuyền nữa, có lẽ chỉ còn tôi là vẫn miệt mài với nghề. Nó đã ăn vào máu, thịt rồi. Nhưng khi mình về với Yàng (trời) thì không biết sẽ còn ai biết mà làm. Có lẽ vài năm nữa sẽ chẳng ai ở dọc dòng sông Pô Cô này nhớ đến thuyền độc mộc”.
Già Rah Lan Pêng ở làng Nú (quê hương của A Sanh-người lái đò Anh hùng trên sông Pô Cô huyền thoại) xã Ia Khai, huyện Iagrai (Gia Lai) đã trút bầu tâm sự với tôi khi được nhắc tới thuyền độc mộc.
“Luật” của nghề
Tính đến năm nay, già Pêng đã qua 60 mùa rẫy, trong đó “thâm niên” đẽo thuyền độc mộc là hơn 30 năm. Trong những sản phẩm của già có 2 chiếc thuyền đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà rông văn hóa huyện Ia Grai.
Có lẽ đã quá lâu không được ai nhắc đến nên khi tôi hỏi chuyện bao nhiêu hoài niệm về nghề cứ lần lượt trở về và được ông kể lại trong niềm hứng khởi.
Mọi việc bắt đầu bằng việc vào rừng chọn cây. “Đó phải gỗ Sao, vừa bền, vừa nhẹ. Cây phải thẳng vút, to bằng 2 người ôm”. Tuy nhiên đó không phải là tất cả.
Già Pêng kể rằng khi đẽo thuyền độc mộc cũng phải tuân thủ các “luật” mà bao đời nay các thế hệ “nghệ nhân” vẫn truyền dạy cho nhau. Khi vào rừng tìm gỗ phải tuân theo “luật” của chim Pơ Lang. Nó kêu ở trước thì đó là tín hiệu dẫn đường cho mình tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nếu nó kêu ở phía sau thì phải quay về để tránh gặp điều không may.
Nhiều người đã phải đổ máu trong rừng vì không tuân theo “luật” này. Bản thân già Pêng cũng đã nhiều lần chứng kiến rồi nên thấm được cái “luật” bất thành văn trên. Khi đã chọn được gỗ, người thợ phải dùng rìu để hạ cây rồi chặt tỉa những cành cây nhỏ. Sau đó dùng những cành nhỏ ấy để nấu cơm cúng Yàng, lúc này việc đẽo thuyền mới được tiến hành.
“Khi đẽo thuyền mình phải ở trong rừng luôn. Có khi làm 1 thuyền mất cả tuần ăn, ngủ trong rừng mới xong”. Ngoài các dụng cụ như rìu, rìu bào và cuốc chim thì người đẽo phải có con mắt tinh tường cùng đôi tay khéo léo để tính toán làm sao đẽo cho cân đối, nhất là ở hai mạn thuyền để khi hạ thủy thuyền sẽ không bị nghiêng.
Khi mọi việc xong, kéo thuyền ra bến, lật úp lại và lúc này lại cúng Yàng thêm 1 lần nữa. Tại đây người ta phải đặt quả trứng lên lưng thuyền để cầu may, mong cho thuyền không gặp sự cố, lúc này thì thuyền mới có thể đưa vào sử dụng. “Người ta làm thuyền không ai tính toán tiền bạc, nhất là làm cho người trong làng, chỉ bữa rượu ghè là vui rồi”, già nói.
Biết ra sao ngày sau?
Chẳng riêng gì tại Gia Lai mà cả khu vực Tây Nguyên chưa ai thống kê chính thức về số “nghệ nhân” đẽo thuyền độc mộc đang còn làm nghề, nhưng chắc chắn con số này rất ít và đang dần một thưa thớt theo dòng thời gian.
Tại làng Nú hiện chỉ còn 3 người là già Pêng, già Duit- anh ruột già Pêng, và già HMơnh, là những người cuối cùng biết đẽo thuyền của cả huyện. Tại đây, nay vẫn tồn tại 2 bến đò nhỏ cách nhau 1km, nơi ngày trước người anh hùng A Sanh cùng mọi người ngày ngày hóa trang thành những người đánh bắt cá đợi đến khi đêm về lại lái đò để chở bộ đội vượt sông Pô Cô qua huyện Sa Thầy (Kon Tum) và ngược lại.
Những lúc cao điểm như năm 1967, khi bộ đội đánh đồn Chưpăh, mỗi đêm đội lái đò này đã phải lái hàng trăm chuyến đò chở bộ đội vượt qua mưa bom bão đạn để làm nhiệm vụ.
Ngày nay, thuyền độc mộc trở thành phương tiện để mọi người đi lại, mưu sinh. Cũng từ con thuyền này nhiều mối tình đẹp đã hình thành rồi bao lứa đôi nên duyên.
Tuy nhiên trên quê hương A Sanh bây giờ, những chiếc độc mộc có nguy cơ trở thành quá khứ. Già Pêng nói: “Ngày trước mình muốn vào rừng tìm cây dễ lắm, muốn là chặt, còn giờ thì phải xin... Nếu được chủ rừng (các lâm trường) đồng ý thì mình mới dám chặt cây, còn không thì thôi”.
Ngoài ra để tìm được một cây gỗ Sao ưng ý giờ cũng khó nên thuyền độc mộc ngày càng mai một. Trong khi đó, các thuyền làm bằng sắt, tôn... dễ mua lại có mặt ở khắp nơi. Đó là lý do của sự mai một nhưng không phải là tất cả.
Hiện tại có lẽ chẳng một thanh niên trai tráng trong làng nào lại đam mê, yêu thích nghề đẽo thuyền độc mộc nữa trước sự xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa mới.
Như đã nói trên, cả làng Nú hiện còn 3 già biết đẽo nhưng thực chất giờ chỉ còn mỗi già Pêng là còn làm, còn già Duit, già HMơnh thì ít tham gia bởi tuổi già không còn cho phép người ta vào rừng tìm gỗ, ăn ở trong rừng cả tuần để làm ra một sản phẩm. Đó là làng Nú còn may mắn chứ các làng bên cạnh chẳng còn kiếm được một ai nên cách đây 2 năm một số làng đã phải qua nhờ các già làm giúp.
Con cháu, không chỉ trong làng mà cả trong nhà của các già, chẳng một ai theo học nghề đẽo thuyền độc mộc.
Số phận thuyền độc mộc sẽ ra sao nếu một ngày nào đó không còn được chặt gỗ Sao, một ngày nào đó các già Pêng, Duit, HMơnh không còn nữa? Lẽ nào rồi đây, dòng Pô Cô huyền thoại này sẽ phải mang trong mình nỗi nhớ da diết chiếc thuyền độc mộc dài, mảnh và sắc, rẽ nước lao vun vút./.
(Báo Tin tức/Vietnam+)