Đến xem các tác phẩm của Phan Tuấn Ngọc, khách tham quan bước vào không gian của 3 nhóm tranh: “Những ngày xưa cũ” (“Old days”) thể hiện trên chất liệu sơn dầu và vải, “Dòng thời gian” và “Những mảnh vỡ hoài niệm” trên giấy dó và sơn tổng hợp.
Trong số đó, “Dòng thời gian” được đặt trong những khung cửa sổ cũ kỹ từ 40, 50 năm trước và là sê-ri tranh kết nối “Những ngày xưa cũ” với “Những mảnh vỡ hoài niệm” - nhóm tác phẩm được chọn để lấy tên cho toàn bộ triển lãm.
Đáng chú ý, mỗi tác phẩm trong “Những mảnh vỡ hoài niệm” đều được đặt tên bắt đầu bằng từ “video,” coi những ký ức như một cuộn phim, kể lại những cuộc tình không thành, những buồn vui, trắc trở trong cuộc sống… qua những bức tranh.
Ý tưởng này bắt nguồn từ gu âm nhạc khá kén người nghe của tác giả Phan Tuấn Ngọc.
“Có thể nói tôi rất ‘nghiện’ âm nhạc,” anh chia sẻ. “Tôi thường nghe rock, metal, đặc biệt là nhạc của giới nghệ sỹ ngầm-underground. Nhiều ca khúc của họ thường chỉ có bản audio (âm thanh-PV) mà không có video và không xuất hiện trên các nền tảng phổ biến.”
Để thuận tiện cho việc chia sẻ, anh ghép những bản audio vào một hình ảnh tĩnh để tạo thành video rồi đăng tải lên Youtube. Đó có thể là logo của ban nhạc hoặc một hình minh họa liên quan. Đây chính là khi anh bật ra ý tưởng chủ đạo của “Những mảnh vỡ hoài niệm.”
“Tại sao mỗi bức tranh mình vẽ không phải một video nhỉ?” Và rồi anh bắt đầu gọi các bức tranh của mình là “Video-day,” (“Ngày”) “Video-fall” (“Thu”) hay “Video for desolate heart” (“Lẻ loi cho một trái tim lẻ loi”)...
Có video thì cần có âm thanh. Đó là lúc Phan Tuấn Ngọc đưa các bài thơ, câu nói, lời chia sẻ, thậm chí là lời giới thiệu bản thân… vào mỗi bức tranh, tạo nên âm vang trong trí não của khách tham quan.
Khác với nhiều họa sỹ khi họ truyền tải cảm xúc, thông điệp của mình qua những nét vẽ và mảng màu, các bức tranh “video” của Phan Tuấn Ngọc thường đi liền với một văn bản bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc cả hai.
Người họa sỹ chia sẻ rằng: “Nghệ thuật thường thể hiện qua ngôn ngữ hình ảnh, tuy nhiên có những ý niệm rõ ràng thì cần phải được nói ra. Đó là khi tôi cần sự truyền tải mạnh hơn, tôi chọn cách nói trực tiếp trên tranh của mình.
Giống như tranh vẽ là ngôn ngữ đa quốc gia, ngôn ngữ chữ viết của tôi cũng cần được thể hiện không chỉ ở tiếng Việt mà còn ở tiếng Anh, ngôn ngữ đa quốc gia để khách nước ngoài đọc được,” anh cho biết.
Nhưng không vì thế mà Phan Tuấn Ngọc phải khiên cưỡng và cố gắng chuyển ngữ đầy đủ toàn bộ nội dung của mình. Với một thái độ thoải mái của người nghệ sỹ, đôi khi anh chỉ dịch 1 câu thơ sang tiếng Anh rồi phần còn lại được ghi bằng tiếng Việt.
Không chỉ thể hiện qua cách đặt tên, chính sự loang lổ khi kết hợp giữa giấy dó và màu tổng hợp đã tạo ra hiệu ứng loang lổ trên giấy, làm sống động hơn cảm giác mờ ảo, thiếu rõ ràng, đưa người xem lang thang trong miền hồi ức và quá khứ của riêng mình.
Trong không gian triển lãm của Mơ Art Space, Phan Tuấn Ngọc bật những đoạn nhạc theo phong cách ambient (âm thanh không gian) vang vọng để tăng thêm cảm giác hoài niệm của người xem.
Đậu Nhi, cây viết của trang Urbanist Hà Nội nhận xét: “Mỗi tranh là một khoảnh khắc là một ý tưởng hay ho, kết hợp với âm nhạc trong phòng tranh khiến mình rất xúc động.
Những câu chữ trên tranh có thể không mang đến một ý nghĩa cụ thể nào, nhưng trong mối liên hệ với bức tranh, tôi có thể cảm nhận được cảm xúc của họa sỹ khi anh vẽ nên những bức tranh này một cách chân thực và sống động.”
Triển lãm được đặt trong không gian trưng bày của Mơ Art Space, 136 Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội). “Những mảnh vỡ hoài niệm” sẽ diễn ra từ ngày 3/2 đến 7/3/2021, từ 10 giờ đến 19 giờ các ngày từ thứ Ba đến Chủ nhật./.