Trái Đất đang ngày càng nóng lên do các hoạt động của con người gây ra, đe dọa lại chính sự tồn vong của loài người.
Nhận thức được điều này, xu hướng tiêu dùng và sản xuất đang dần dịch chuyển theo hướng phát triển bền vững và đang dần được luật hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, để chuyển đổi và phát triển bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ của doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan.
Áp lực phải chuyển đổi bền vững
Năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là rất lớn, vượt xa nhu cầu thị trường nội địa. 90% sản lượng chủ yếu để xuất khẩu, chỉ có khoảng 10% sản lượng cung ứng cho nhu cầu nội địa. Do vậy, ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào thị trường nước ngoài.
Theo báo cáo của Statista, EU - một trong bốn thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam, hiện vẫn là thị trường còn rất nhiều tiềm năng và dư địa.
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU đã tăng từ 3,17 tỷ Euro năm 2018 lên 5,23 tỷ Euro năm 2022. Trong khi đó, EU nhập khẩu hơn 210 tỷ USD hàng dệt may năm 2022, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu hàng dệt may thế giới, tốc độ tăng nhập khẩu bình quân 3%/năm.
Hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế xuống 0% sau tối đa 8 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng Trung Quốc +1 đang tạo ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, EU và các thị trường lớn đang ngày càng đặt ra nhiều quy định và tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị, buộc các doanh nghiệp dệt may nếu muốn thâm nhập, giữ vững và phát triển được thị phần phải chuyển đổi và đáp ứng.
Theo bà Lành Huyền Như, Quản lý Dự án Chuỗi cung ứng Bền vững và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Việt Nam), Luật Thẩm định Chuỗi cung ứng của Đức (LkSG), có hiệu lực từ đầu năm nay, yêu cầu các doanh nghiệp tại Đức có trên 3.000 nhân viên phải có biện pháp kiểm soát rủi ro liên quan đến con người và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình.
Năm 2024, Luật sẽ áp dụng với doanh nghiệp có trên 1.000 nhân viên. Doanh nghiệp vi phạm phải chịu mức phạt lên tới 2% tổng doanh thu của năm hoặc không cho phép tham gia đấu thầu các dự án công, thậm chí yêu cầu chấm dứt hợp đồng với nhà cung ứng vi phạm.
Chỉ thị Thẩm định Chuỗi cung ứng (CSDDD) sắp được EU thông qua, dự kiến áp dụng với các doanh nghiệp tại EU có trên 250 nhân viên, doanh thu 40 triệu Euro/năm.
Hoặc các công ty ngoài EU có doanh thu trên 150 triệu Euro/năm, doanh thu tại EU 40 triệu Euro/năm. Doanh nghiệp vi phạm phải thu hồi hàng hóa trên thị trường. Các doanh nghiệp ngoài EU vi phạm sẽ không được phép tham gia các dự án công.
Ngoài ra, EU cũng đã ban hành Quy định chống phá rừng trong chuỗi cung ứng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia cũng đã dự thảo điều luật tương tự Luật LkSG của Đức.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng HDBank cho biết quy định của Ngân hàng Nhà nước, các định chế tài chính phát triển và các đối tác nước ngoài luôn yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG gồm Environment (môi trường)-Social (xã hội)-Governance (quản trị doanh nghiệp) mới xem xét duyệt chi khoản vay.
Do đó, các quy định này chắc chắn sẽ tạo ra áp lực và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nếu muốn tham gia và tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Như, nếu doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn sẽ có cơ hội chiếm được lợi thế cạnh tranh, có điều kiện phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc thẩm định chuỗi cung ứng đối với sản phẩm dệt may không phải chỉ là tra soát tại nhà máy sản xuất ra sản phẩm đó, mà phải tra soát đến tận đầu nguồn của sản phẩm.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Quản lý Dự án Dệt may Xanh Bền vững của tổ chức WWF Việt Nam, mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi Xanh hóa của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030 giảm 15% lượng tiêu thụ năng lượng, giảm 20% lượng tiêu thụ nước là mục tiêu rất tham vọng, tương đương với mục tiêu Thủ tướng cam kết tại Hội nghị COP-26 đến năm 2050 Việt Nam phát thải ròng bằng 0.
Nhưng rõ ràng là, cam kết mạnh mẽ như vậy mới đặt ra được chương trình hành động và lộ trình thực hiện, doanh nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc phải chuyển đổi.
Ngoài áp lực về chuyển đổi Xanh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết các doanh nghiệp dệt may hiện đang chịu áp lực rất lớn về chính sách thuế xuất khẩu tại chỗ và thiếu hụt nguồn cung.
Một số doanh nghiệp đã phải chuyển sang làm gia công, không thể làm xuất khẩu tại chỗ, vì làm xuất khẩu tại chỗ phải đóng thuế. Ngành dệt may đã tự đáp ứng được 50-51% nguồn nguyên liệu, nhưng 49% nguyên liệu nhập khẩu lại là những mặt hàng cốt lõi, chiến lược của ngành.
Lộ trình chuyển đổi thích hợp
Theo ông Vũ Đức Giang, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho ngành, trước mắt, VITAS rất mong Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, sớm điều chỉnh chính sách thuế, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển các địa phương làm các khu công nghiệp đạt các tiêu chuẩn về môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào phần cung thiếu hụt.
Liên quan đến hoạch định chiến lược, theo bà Mai, ngành dệt may Việt Nam đang ở trong giai đoạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường phát triển bền vững, thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Có thể hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ năng lực để thay đổi ngay một lúc nhưng doanh nghiệp vẫn phải hoạch định cho mình lộ trình chuyển đổi.
Trên lộ trình đó, các doanh nghiệp "không cô đơn" vì luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; các tổ chức, hiệp hội, chương trình phát triển bền vững trên thế giới.
Dệt may Việt Nam chủ động, linh hoạt thích ứng với thị trường
Theo khảo sát, 50% doanh nghiệp cho biết sẽ tiến hành chuyển đổi Xanh, 36% sẽ chuyển đối số, 29% sẽ chuyển đổi thị trường nhằm thích ứng linh hoạt với các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Trong số đó, VITAS đang có những nhóm công tác làm việc, vận động các nhà mua hàng cùng chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng với nhà máy, với nhà cung ứng, bằng cách tăng giá mua khi nhà cung ứng tuân thủ tốt, hoặc công nhận các kết quả đánh giá của nhau.
Đồng thời, để thực hiện mục tiêu xây dựng được Thương hiệu Dệt may Việt Nam bền vững, VITAS sẽ thực hiện 5 gói giải pháp gồm đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với môi trường điều kiện hiện nay, quan tâm tìm kiếm mở rộng thị trường, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện chuyển đổi Xanh, chuyển đổi Số, thực hiện và gia tăng chỉ số phát triển bền vững. Quyết tâm có các nhà máy vải trong các khu công nghiệp sinh thái.
VITAS khuyến nghị, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 3P, đảm bảo xử lý tổng hòa 3 yếu tố gồm Planet (hành tinh)-People (con người)-Profit (lợi nhuận).
Thực hiện chương trình 4R gồm: Reduce (giảm tiêu thụ, giảm phát thải)-Reuse (tái sử dụng)-Recycle (tái chế)-Renewable Energy (sử dụng năng lượng tái tạo), thực hiện các tiêu chuẩn ESG.
Theo bà Mai, doanh nghiệp không nên bỏ ngỏ thị trường nội địa. Vì thị trường này vẫn có tiềm năng, dư địa nên hàng dệt may của Thái Lan, Trung Quốc vẫn có cơ hội cạnh tranh thị phần ở Việt Nam..
Tư vấn cho doanh nghiệp ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương chia sẻ, bắt đầu từ năm 2024, toàn bộ danh mục khách hàng doanh nghiệp của HDBank sẽ phải qua "lăng kính ESG" để xét duyệt khoản vay.
Do vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội miễn phí để biết mình xanh, mình đạt các tiêu chuẩn ESG đến mức nào chỉ cần đăng ký khách hàng vay tại HDBank.
Đồng thời, để xây dựng được phương án vay khả thi, doanh nghiệp cần có báo cáo dự báo dòng tiền. Theo đó, không làm trường hợp lạc quan nhất, mà tập trung vào trường hợp khó nhất.
Là trong tình huống khó khăn nhất, mà doanh nghiệp và ngân hàng vẫn có lối thoát cùng với nhau. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn để thúc đẩy chuyển đổi.
Chia sẻ kinh nghiệm ở góc độ doanh nghiệp có những thành công nhất định trong lộ trình hướng tới phát triển bền vững, bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (FASLINK) cho biết doanh nghiệp cần sử dụng đơn vị tư vấn vì có những vấn đề, nguồn lực mà doanh nghiệp không thể tự xây dựng được, quyết tâm làm thương hiệu, phải quảng bá được câu chuyện làm ra sản phẩm.
Đồng thời, xác định chiến lược nâng giá trị của mình trong chuỗi cung ứng chứ không chỉ làm gia công, chủ động liên kết với các doanh nghiệp FDI để tạo ra sản phẩm vượt trội, tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng, nắm được nhu cầu, xu hướng và tiêu chuẩn của thị trường, chú trọng phối hợp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển sản phẩm mới./.