Hoa Việt Nam tìm hướng đi trên thị trường quốc tế

Hoa tươi của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đến nhiều nước và đang tìm hướng đi để khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Hoa tươi của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến qua các lễ hội hoa Đà Lạt và hiện đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Cùng với việc chú trọng tới khâu sản xuất, bảo quản và phát triển hệ thống phân phối hợp lý, hoa tươi Việt Nam đang tìm hướng đi để khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Tiềm năng nhiều nhưng xuất khẩu hạn chế

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, thị trường xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Arập Xêút.

Xuất khẩu hoa của các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường Bắc Mỹ và Trung Âu vì hai thị trường này chủ yếu nhập hoa từ các nước Nam Mỹ, Trung Mỹ và các nước Nam Âu. Ngoài những yếu tố khắt khe về kỹ thuật, vị trí địa lý làm tăng chi phí vận chuyển cũng là điều bất lợi cho xuất khẩu hoa của Việt Nam.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tại thị trường Nhật Bản, hoa tươi Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là hoa sen. Nhật Bản là nước có yêu cầu chất lượng cao và thủ tục hải quan nghiêm ngặt nhưng lại có giá rất cao nên đã thu hút nhiều nhà nhập khẩu hoa vào thị trường này.

Hà Lan, cường quốc của các loài hoa trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hoa hàng năm luôn đứng ở mức cao so với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), không chỉ trồng hoa tươi xuất khẩu còn nhập khẩu một lượng lớn hoa tươi từ các nước khác để xuất khẩu.

Sản phẩm hoa nhập từ các nước đang phát triển vào EU thông qua Hà Lan không phải chịu thuế nhập khẩu nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thâm nhập thị trường.

Còn tại Trung Quốc, các loại hoa xuất xứ từ Đà Lạt là hồng, ly, lan được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Việc xuất khẩu hoa theo đường tiểu ngạch đã hình thành từ lâu và theo kinh nghiệm của Trung Quốc, nhu cầu hoa trước và sau Tết Nguyên đán rất lớn khi nhu cầu cho các ngày lễ rất cao và thời tiết của Trung Quốc không thuận lợi cho trồng và thu hoạch hoa.

Ở Việt Nam, Đà Lạt là thành phố trồng và xuất khẩu hoa lớn nhất cả nước với diện tích trên 3.500ha, chiếm 40% diện tích và 50% sản lượng. Mỗi năm, thành phố cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 10 triệu cây hoa giống.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, diện tích và sản lượng hoa tại địa phương hằng năm không ngừng tăng lên nhưng sản lượng hoa xuất khẩu vẫn giữ nguyên. Chủ lực xuất khẩu hoa tại Đà Lạt vẫn là của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm. Các Công ty đã từng xuất khẩu hoa cắt cành khác như Đại Việt, Rừng Hoa, Thái Sơn, Langbiangfarm, Ngọc Mai Trang... đã không thành công trong xuất khẩu.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tự phát và manh mún, không có quy hoạch cũng như định hướng phát triển vùng hoa nguyên liệu, chất lượng hoa không được cải thiện so với cả chục năm trước đây.

Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng lớn từ phía đối tác thường không kiểm soát được chất lượng, giá cả vì bản thân doanh nghiệp chỉ cung cấp được 50-60% nguồn hàng.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2010, diện tích hoa tươi của Việt Nam khoảng 8.000ha với 4,5 tỷ cành, trong đó 1 tỷ cành đã được xuất khẩu trong đó 85% là hoa hồng, cúc và lan. Doanh thu từ xuất khẩu hoa đạt 60 triệu USD.

Sản xuất hoa cành của Việt Nam tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng... Thành phố Hà Nội và một số vùng lân cận trồng hoa hồng, cúc, đào, lay ơn, cẩm chướng; thị trấn Sapa (Lào Cai) là nơi có tiềm năng trồng hoa xuất khẩu vì có khí hậu lạnh nhưng quy mô nhỏ.

Khu vực miền Trung mới bắt đầu sản xuất hoa cắt cành nhưng chủ yếu phục vụ thị trường tại chỗ. Các tỉnh Nam bộ tập trung sản xuất hoa nhưng chủ yếu là các loại hoa vùng nhiệt đới.

Tỉnh Lâm Đồng, nơi được mệnh danh là xứ sở của các loài hoa có diện tích trồng hoa 1.100ha với sản lượng không dưới 800 triệu cành mỗi năm nhưng xuất khẩu vẫn chưa mạnh.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu xuất khẩu hoa của Việt Nam trong thời gian tiếp theo sẽ là hướng tới mở rộng các thị trường đã có ở châu Á vì thuận lợi khi xuất khẩu hoa sang thị trường này là khoảng cách địa lý không xa, chi phí vận chuyển thấp, bảo quản dễ dàng và tìm kiếm khách hàng dựa vào mối quan hệ thương mại sẵn có, còn mục tiêu lâu dài là mở rộng thị trường sang các nước Bắc Mỹ như Canada, Mỹ và các nước Trung Âu.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương để phát triển thị trường hoa tươi, các nhà vườn nên thực hiện các chính sách phát triển cần thiết như áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào tất cả các khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, bán hàng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, lập hành lang pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế; tiếp tục đa dạng hóa các vùng miền trồng hoa phù hợp với điều kiện về địa lý, khí hậu và thị trường của từng loại hoa./.

Đỗ Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục