Sau những đợt mưa rét kéo dài, thời tiết hôm nay ở Huế bừng sáng với chút nắng vàng nhẹ nhưng cũng đủ làm cho thị trường hoa Tết ở đây kịp thời khoe hương sắc.
Dạo quanh các điểm bán hoa Tết ở công viên Phu Văn Lâu, Thương Bạc, Nhà Văn hóa trung tâm; các đường Lê Duẩn, Hà Nội, Đống Đa, Hùng Vương ngập tràn các loại hoa, tấp nập người mua người bán, không còn các mái lều bạt dựng tạm để che mưa cho hoa, dù hôm qua vẫn còn.
Chị Hồ Thị Hương, nhà ở Phú Thượng, huyện Phú Vang, cho biết năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi, sau bão lũ là mưa rét kéo dài, mặc dù gia đình chị đã làm đủ cách để thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, nhưng công chăm sóc quá lớn, làm cho người trồng hoa không có lãi.
Trước Tết, gia đình chị bàn nhau vào lấy hoa từ Đà Lạt, Bình Định về bán. Giá mỗi cặp hoa cúc từ Đà Lạt đưa về Huế có giá bán từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng (gấp từ 2-3 lần so với hoa cúc trồng ở Huế) nhưng cũng dễ bán và có lãi cao, vì hoa có màu sắc đẹp, cành mập mạp, lá xanh hơn so với cúc trồng ở Huế.
Về làng hoa xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, ông Trần Vãng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết toàn xã có khoảng 2.200 hộ dân nhưng có đến 1/4 số hộ dân tham gia trồng hoa Tết với tổng diện tích trên 11ha. Ở đây, bà con nông dân đã áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật và trồng được các giống hoa như tuylip, ly, cúc…
Đáng chú ý, Viện Rau quả Trung ương giúp cho người trồng hoa ở Phú Mậu tuyển chọn kỹ giống cây con nên rất hiệu quả. Vụ hoa Tết năm nay, dự tính thu nhập của người trồng hoa đều đạt từ 150 triệu đồng/ha…
Gia đình ông Lê Văn Lự trồng được 3.000 gốc ly và 500 gốc lan Mokara cùng 3 sào hoa cúc, bán với giá 50.000 đồng/gốc đối với hoa ly và 100.000 đồng/cành hoa lan nên thu nhập cũng khá cao.
Người Huế có thú chơi hoa mai trong ngày Tết, nhưng phải là mai vàng, lộc biếc. Năm nay thời tiết mưa rét kéo dài, người trồng mai ở Huế điêu đứng.
Các chủ vườn mai ở Thủy Phương, Phú Thương, Kim Long phải hái lá sớm trước 60 ngày (bình thường 45 ngày) nhưng hoa vẫn không bung nụ.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có khoảng 300 chậu mai cảnh để trưng bày trrong các điểm di tích cũng có rất ít chậu mai nở đúng dịp.
Dù trước đó, mai được đưa vào nhà, quây lại để thắp điện sưởi ấm cho cây nhưng vì rét quá, cây cứ trơ lì ra không thể nở hoa đúng dịp.
Nắm bắt đặc điểm này, nhiều người buôn hoa lặn lội vào Bình Định, Phú Yên mua mai về bán.
Tuy nhiên, giá cây mai ở các địa phương này bán ở Huế giá chỉ rẻ bằng 1/5 so với mai vàng xứ Huế.
Anh Lê Nguyễn ở xã Phú Thượng cho biết anh mua được khoảng 50 chậu mai cảnh ở trong nam về bày bán ở đường Hùng Vương, giá khoảng từ 800.000 đến 1.500.000 chậu mai cảnh nhưng cũng rất khó bán.
Trong khi đó, các quầy bày bán hoa phong lan Đà Lạt có giá cao ngất ngưởng, 250.000 đồng/cành; nếu đưa vào chậu có giá từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/chậu (thứ tự loại 5 cành và 7 cành), nhưng vẫn dễ bán vì hoa được đưa vào chậu là cách làm mới của người bán hoa năm nay.
Cánh đồng hoa layơn nhung đỏ của anh Bùi Văn Trinh, một trong những tay trồng hoa phường Hương Hồ, thành phố Huế hứa hẹn một mùa bội thu vì tấp nập cảnh mua bán. Bởi lẽ, anh là người đầu tiên vào tận Đà Lạt đưa giống cây này về trồng.
Đây là loại hoa dễ thích nghi với thời tiết mưa lạnh; tuy nhiên, để trồng được loại hoa này cần rất nhiều công chăm sóc, và vốn đầu tư cũng lớn, gần 10 triệu đồng tiền giống/sào, lại tốn nhiều công (tính cả công và tiền phân bón lên tới 20 triệu đồng/sào).
Hoa trong ngày Tết ở Huế không thể thiếu trong mỗi gia đình, dù khó khăn đến mấy. Người Huế cũng có tục đi mua hoa vào chiều và đêm 30 Tết.
Vì vậy, ai đến Huế lần đầu sẽ rất ngạc nhiên khi thấy Tết cận kề rồi mà vẫn "trên trời, dưới hoa"; nhưng càng ngạc nhiên hơn vì thực sự hoa sẽ bán hết vào trước thời khắc giao thừa đón năm mới. Người trồng hoa ở Huế, vì thế vẫn còn hy vọng có một mùa hoa Tết bội thu.../.