“Dù biết phía trước là con đường khó nhưng tôi vẫn sẽ đi. Đi để tiếp tục khám phá, kiếm tìm và sáng tạo; để xây dựng một định dạng trừu tượng mới của hội họa Á Đông! Đi để tự thử thách, làm mới chính mình!”
Phạm An Hải - một trong số ít họa sỹ đương đại Việt Nam chọn trường phái trừu tượng cho sự nghiệp sáng tác của mình đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về những dự định nghệ thuật sắp tới.
Suốt hai thập kỷ qua, anh vẫn “một mình một ngựa” rong ruổi trên một cung đường riêng đơn độc và nghiệt ngã với một xác tín riêng.
- Ở Việt Nam, với việc lựa chọn trường phái hội họa trừu tượng từ cách đây hai thập kỷ, có vẻ như anh đã tự làm khó chính mình?
Họa sỹ Phạm An Hải: Đây là trào lưu hội họa ra đời từ đầu thế kỷ 20 ở phương Tây. Nghệ thuật trừu tượng không thể hiện đối tượng một cách hiện thực như mắt mình nhìn thấy mà biểu thị những ý nghĩ, cảm xúc của nghệ sỹ về một vài đặc điểm, đường nét nào đó của đối tượng.
Đây cũng là lý do đầu tiên khiến tôi yêu thích hội họa trừu tượng. Nó rộng rãi về cách tư duy, rộng mở về cấu trúc, ngôn ngữ. Cá nhân tôi cho rằng, nó đậm chất hội họa nhất.
Nói khác đi, tranh trừu tượng là bản hòa tấu của màu sắc, cảm xúc; bởi vậy, nó trung thực nhất. Sự hòa nhịp ấy sẽ đánh thức tàng thức của người xem.
Cách đây 20 năm, hội họa trừu tượng còn khá xa lạ ở Việt Nam. Nghệ sỹ lựa chọn trường phái này đồng nghĩa với việc tranh không có người xem và không bán được. Thế nhưng, ở thời điểm đó, tôi nghĩ vẽ tranh không hẳn để bán kiếm tiền nên tôi không quan tâm lắm đến vấn đề này.
Tôi vẽ vì cảm thấy thích. Hội họa trừu tượng đến và ở lại với tôi như một cái nghiệp. Mặc dù, suốt 11 năm học tại Đại học Mỹ thuật, tôi học kinh điển hoàn toàn. Trong suốt thời gian đó, tôi cũng vẽ theo lối hiện thực như những họa sỹ khác, thậm chí được đánh giá là vẽ tốt. Thế nhưng, tôi lại thấy, nếu cứ vẽ hiện thực thì mình luôn bị gò bó, o ép bởi cái vỏ của hình thể.
- 20 năm về trước, đời sống mỹ thuật là như vậy, còn bây giờ thì sao, thưa họa sỹ?
Họa sỹ Phạm An Hải: Chỉ so sánh với khoảng 10 năm trước, ta đã thấy đời sống văn hóa, nghệ thuật có sự khác biệt, chuyển mình rất rõ rệt chứ chưa nói đến 20 năm trước.
Đơn cử thế này: trước đây, tranh trừu tượng chủ yếu chỉ bán được cho khách nước ngoài. Người Việt Nam hầu như không ai mua. Thế nhưng, gần đây, tranh trừu tượng của tôi đã có khá nhiều người Việt tìm mua. Thậm chí, có những người trước kia chưa bao giờ mua tranh nhưng khi đến xem tranh của tôi, họ mua liền bốn, năm bức và có người mua tới cả chục bức.
Ở thời điểm tôi mới bắt đầu đến với nghệ thuật trừu tượng, ở Hà Nội gần như không có ai theo trường phái này. Thế nhưng, bây giờ, phần lớn người trẻ vững nghề đều ngả theo vẽ trừu tượng.
Bản thân tranh trừu tượng có diện công chúng hẹp hơn so với các loại tranh khác. Đúng là tranh trừu tượng thoạt đầu có vẻ khó xem nhưng nó được chấp nhận trong tất cả các loại không gian. Khi xem tranh, người ta phải đối diện với chính mình nhiều hơn.
Tranh trừu tượng mang đến sự rộng mở trong cách hình dung, cảm thụ tác phẩm. Cùng là một bức tranh nhưng mỗi lúc tâm trạng, cảm xúc khác nhau, người ta lại nhìn thấy ở đó những ý niệm khác nhau. Điều này làm cho tự thân tranh có đời sống phong phú hơn.
Chính sự chấp nhận đa phong cách, đa không gian như thế đã khiến cho tranh trừu tượng trở nên phổ biến hơn, trở thành một loại tranh dễ treo.
- Anh có tranh nằm bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, được giới thiệu tại những phòng tranh uy tín như Linus Galleris, góp mặt tại các phiên đấu giá của những đơn vị danh tiếng như Sotheby's... Thế nhưng, với đa số công chúng Việt Nam, cái tên Phạm An Hải vẫn khá... xa lạ.
Họa sỹ Phạm An Hải: Đó là bởi vì tôi mới có hai triển lãm cá nhân ở Việt Nam và cũng đã cách đây khá lâu rồi (năm 1998, 1999). Suốt từ đó đến bây giờ, tôi vẫn tham gia những triển lãm toàn quốc, triển lãm của Hội Mỹ thuật và các triển lãm nhóm ở Hải Phòng… nhưng không nhiều.
Tôi ít xuất hiện ở những sự kiện ồn ào bởi cảm thấy cái tạng của mình không hợp. Suốt 20 năm qua, tôi gần như “một mình một ngựa,” “một mình một đường.”
Trước đây, tôi vẽ trừu tượng cấu trúc. Trong cả quá trình làm nghề, tôi trượt dài sang nhiều dạng thức khác nhau. Hiện giờ, tôi theo đuổi một định dạng mới - hiện thực của cảm xúc. Định dạng đó mới mẻ không những với Việt Nam mà tôi tin, nó cũng mới mẻ với cả phương Tây.
Cách tư duy, cách đặt vấn đề với trừu tượng của châu Á khác châu Âu: với châu Âu là đa sắc đa diện, còn với châu Á là đơn sắc đơn diện. Trong quá trình học theo phương Tây về vẽ tranh trừu tượng, nghệ sỹ Việt Nam phải tạo được những sự nhận diện riêng cho tranh của mình.
- Cụ thể, với “Mùa Thu vàng” - tác phẩm vừa đoạt giải nhì cuộc thi Tranh trừu tượng Đương đại Quốc tế 2015 của anh, dấu ấn đơn sắc đơn diện ấy được thể hiện thế nào?
Họa sỹ Phạm An Hải: Ở đó có những mảng vàng và mảng đen rất lớn. Vàng, đen là hai màu sắc chủ đạo.
Với tranh trừu tượng phương Tây, người xem sẽ không thấy những diện lớn như thế mà chỉ có một màu. Thay vào đó, một diện như thế thường bao hàm trong đó nhiều diện nhỏ hơn, đan xen nhiều màu sắc. Trong khi đó, tôi lại để cả một diện rộng với một màu duy nhất.
Mảng đó phải chịu trách nhiệm cả về bố cục, cảm xúc của bức tranh.
- Suốt hành trình 20 năm “một mình, một ngựa,” đã khi nào anh thấy nản và muốn buông tay?
Họa sỹ Phạm An Hải: Nếu nói là cảm giác nản, mệt mỏi thì đó chỉ là những chuyện cuộc sống, bên lề: chán khi không bán được tranh, không đủ tiền để mua những họa phẩm tốt, theo ý muốn. Thế nhưng, cuộc sống vẫn cứ diễn ra và mình phải biết tự bằng lòng, cân bằng lại.
Còn chuyện buông tay thì không! Vì đã trót yêu nên ham mê nghề luôn thường trực. Suốt cả chặng đường làm việc liên tục, vẽ đã trở thành một nhu cầu thường nhật trong cuộc sống của tôi.
Một tuần mà không được vẽ thì tôi như.. kẻ điên, cảm giác rất bứt dứt, khó chịu. Nếu đi nước ngoài, không mang theo dụng cụ, vật liệu vẽ thì vẫn phải lấy giấy, bút bi ra vẽ lăng nhăng gì đó; nếu không thì không thể chịu được.
- Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện./.