Họa sỹ, nhà thơ, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang đột ngột qua đời đêm 21/8. Ông rời cõi tạm ở tuổi 80.
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang sinh năm 1944 tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội khóa 1966-1973, tốt nghiệp Đại học Sân khấu-Điện ảnh năm 1982.
Từ năm 1976, ông làm báo tại Tạp chí Sân khấu đồng thời trở thành họa sỹ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật cho hơn 300 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước.
Bên cạnh mỹ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang khẳng định tài năng ở lĩnh vực thơ ca. Tập thơ "Phải khác" gồm 108 bài thơ, tập hợp các sáng tác của ông từ năm 1968-2008, không những bày tỏ quan điểm sống mà còn thể hiện quan niệm nghệ thuật của ông.
[NSND Trần Bảng - 'ông trùm chèo' qua đời do tuổi cao sức yếu]
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang đạt nhiều giải thưởng về hội họa, bìa sách, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ. Đặc biệt, ông sở hữu hơn 20 huy chương Vàng, Bạc tại các hội diễn sân khấu toàn quốc. Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2010, ông đoạt giải Họa sỹ xuất sắc nhất cho thiết kế mỹ thuật của vở “Hồ Chí Minh-Hồi ức màu đỏ” (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế)
Hay tin Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều sững sờ.
"Hình ảnh nhà thơ Lê Huy Quang hiện ra với mái tóc dài và đi đôi guốc mộc kể cả những ngày giá lạnh của mùa Đông. Và nhà thơ đi guốc mộc rất nhà quê ấy lại là một người phá phách trong thơ ca từ những năm đầu tiên của đổi mới," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng nhiều người nhận định Lê Huy Quang đã có những vần thơ “làm choáng váng bạn đọc.” Người khen ông cũng đông và người phê phán ông cũng không ít. Nhưng ông chẳng để ý gì, cứ "thủng thẳng đi qua đời sống này bằng một đôi guốc mộc và rồi đi thẳng tới thiên đường."
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đạo diễn Lê Quý Dương cho hay Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang là người rất ủng hộ các nghệ sỹ trẻ và bản thân ông cũng luôn trẻ trung trong nghệ thuật.
“Lê Huy Quang vừa là một họa sỹ, vừa là một nhà thơ, có lẽ chính những điều đó khiến ông có một tâm hồn rất trẻ trung,” Lê Quý Dương nói.
Anh còn nhớ những ngày cùng trò chuyện với nghệ sỹ gạo cội tại “mái nhà chung” Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo, ông thường nói “tương lai sân khấu nằm trong tay các bạn trẻ.”
“Sau này, ông vẫn thường xem các chương trình của tôi và góp ý rằng chỗ này làm tốt, chỗ kia nếu điều chỉnh thì sẽ hay hơn… Đó là sự động viên, khích lệ và bài học quý báu đối với cá nhân tôi,” đạo diễn Lê Quý Dương nói.
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội.
Trước khi qua đời, ông là Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) và vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn học, nghệ thuật.
Lễ tang Nghệ sỹ Nhân dân, họa sỹ, nhà thơ Lê Huy Quang diễn ra lúc 9h ngày 24/8, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội./.
Phải khác Nghe như gió chuyển sang mùa Giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ Bay đi một cọng lá vàng Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả Riêng ai lùi lại một mình. Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả Riêng ai ngơ ngác lặng câm. Tất cả mọi người đều vỗ tay như sấm Ai như vô hình bay lên Cuộc đời Ai nhớ Ai quên Nhưng mà phải khác mới nên chữ Người. |