Họa sỹ Ngô Xuân Bính: Kiến tạo không gian đô thị mang hồn cốt dân tộc

“Ego-Người” sẽ là cuộc trưng bày nghệ thuật lớn nhất trong sự nghiệp của họa sỹ với hơn 200 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính (bìa phải) giới thiệu về triển lãm cá nhân của mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Vào ngày 18/11 tới đây, họa sỹ Ngô Xuân Bính sẽ khai mạc triển lãm điêu khắc, hội họa trong không gian đầy sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội với chủ đề “Ego-Người.”

Đây sẽ là cuộc trưng bày nghệ thuật lớn nhất trong sự nghiệp của họa sỹ với hơn 200 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ. Tác phẩm lớn nhất – “Thông linh” được làm bằng chất liệu gỗ, nặng hơn 4,5 tấn.

Họa sỹ xác định đây sẽ là những tác phẩm nghệ thuật dành cho không gian đô thị, góp phần tạo nên một đời sống văn hóa nhiều màu sắc cho những công dân của thời hiện đại.

[Khám phá bên trong bảo tàng gốm 150 tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội]

“Rồi đây, phần lớn nhân loại sẽ sống tập trung ở đô thị, đó là tương lai hiện hữu toàn cầu. Chúng ta sẽ hướng đến một đô thị của cái đẹp,” họa sỹ bày tỏ. 

(Từ trái sang) Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, họa sỹ Ngô Xuân Bính và họa sỹ Lê Văn Thìn gặp mặt báo chí ngày 15/11. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhận định về triển lãm này, họa sỹ Lê Văn Thìn nói: “Tượng của Ngô Xuân Bính phản ánh sự chuyển động của con người. Những động tác mạnh mẽ như thể hiện sự giải phóng, sự tự do về thân thể và trí tuệ.”

Xem các tác phẩm trong trưng bày, họa sỹ Lê Văn Thìn cho hay ông cảm nhận được hồn cốt dân tộc, văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua bóng dáng họa tiết Đông Sơn, những hình người trên trống đồng, những mảng chạm khắc ở đình làng…

“Với ý niệm tạo ra những tác phẩm cho không gian công cộng ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Ngô Xuân Bính là người tiên phong mở ra xu hướng nghệ thuật đô thị trong thời đại mới, vừa hiện đại, vừa đậm nét truyền thống,” họa sỹ Lê Văn Thìn đánh giá.

Lý giải điều này, họa sỹ Ngô Xuân Bính cho hay nhân loại phải mất hàng nghìn năm để hình thành một bản thể (ego) hay bản sắc dân tộc, nhưng chỉ cần vài chục năm, thậm chí chỉ vài năm, người ta có thể xóa đi chuỗi gắn kết văn hóa đặc trưng của một vùng miền, một dân tộc như làng nghề, tập tục, kiến trúc, phương thức canh tác, tôn giáo… Do đó, ông luôn lấy truyền thống làm gốc cho các tác phẩm điêu khắc và hội họa của mình.

“Con diều có bay cao bao nhiêu cũng vẫn gắn với sợi dây. Bản thân tôi có thể để sự sáng tạo và trí tưởng tượng đi xa đến đâu nhưng cũng sẽ không bao giờ tách rời khỏi hồn cốt dân tộc,” họa sỹ Ngô Xuân Bính chia sẻ.

Triển lãm sẽ kéo dài đến 31/12 tại Bảo tàng Hà Nội./.

Họa sỹ Ngô Xuân Bính là người đa tài bởi ông tinh thông hội họa, thơ ca, y học, võ thuật (sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam) và âm nhạc.

Ông nhận Giải thưởng Y học quốc tế Nikolay Pirogov và Huân chương cao quý “Vì những đóng góp lớn lao và đặc biệt cho sự nghiệp y học quốc tế” (2007), được phong hàm giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội Y học dân gian Liên bang Nga (2010).

Từ năm 1991, ông đã tổ chức các triển lãm cá nhân tại Trung tâm Triển lãm tạo hình Minsk, Trung tâm Triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow (Nga).

Sau triển lãm “Du và Dội” (2017) và “Niệm” (2019), đây sẽ là lần thứ 3 ông tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội.

Một số hình ảnh trong triển lãm:

Một góc triển lãm của họa sỹ Ngô Xuân Bính. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một tác phẩm hội họa trừu tượng của Ngô Xuân Bính. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cụm tượng lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Sơn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những tác phẩm của ông hướng đến không gian công cộng trong đô thị hiện đại. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ trong quá trình lắp đặt tác phẩm có kích thước 'khủng'.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Triển lãm đang trong quá trình hoàn tất thi công. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục