“Anh như lão cao bồi già lang thang, đi đi về về trên những đoạn phố cũ. Nơi ấy thấp thoáng bóng dáng dăm ba tay công chức, những biệt thự dở dang bảng lảng trong chiều muộn - một không gian đậm chất Hà thành,” nhà văn Nguyễn Việt Hà hình dung về con người và những trang văn Đỗ Phấn.
Hà Nội với những mất-còn
Hơn 40 năm cầm cọ, người ta biết đến Đỗ Phấn với tư cách một họa sỹ nhiều hơn là chân dung một văn nhân. Chính Đỗ Phấn cũng tự nhận, với ông, vẽ vẫn là nghề chính, viết văn là “tay ngang.”
Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông không “chơi” hết mình. Đỗ Phấn góp mặt trong “cuộc chơi” mới ấy chưa đầy một thập kỷ nhưng ông đã trình làng tới 13 tựa sách (tiểu thuyết, tản văn, truyện dài…).
“Dù tôi có xuất bản đến bao nhiêu đầu sách đi chăng nữa thì người đọc vẫn có thể hình dung rằng, cả đời, Đỗ Phấn chỉ viết một cuốn sách duy nhất - cuốn sách về Hà Nội,” nhà văn tự bạch.
“Dằng dặc triền sông mưa,” “Hà Nội thì không có tuyết,” “Rừng người,” “Ông ngoại hay cười,” “Gần như là sống” hay “Chảy qua bóng tối”… đều là những mảnh ghép góp phần làm nên chân dung phố và người Hà Nội.
Đỗ Phấn bảo, ông sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long, chứng kiến những biến đổi “thần tốc” của Thủ đô, trải nghiệm và thấm thía sự đổi thay của Hà Nội từ hình hài, nếp sống cho đến cách yêu thương. Cũng bởi thế, ông viết về Hà Nội bằng những hồi ức, chiêm nghiệm của chính mình.
“Văn minh công cộng là thứ Hà Nội đã có và cũng đã đánh mất. Tôi viết văn là muốn góp phần tìm lại những điều đó,” Đỗ Phấn trải lòng.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhìn nhận, những trang viết của Đỗ Phấn ăm ắp chi tiết và phảng phất một nỗi buồn. Chúng vẽ nên một Hà Nội chênh vênh, “ẩm ương” giữa những nét thanh lịch của quá khứ và vẻ xù xì, gồ ghề của một đô thị đang chuyển mình liên tục hiện nay. Ở đó, tác giả trằn trọc, day dứt với ước vọng gợi lên, làm sống dậy những giá trị truyền thống.
Đỗ Phấn bảo, ấn tượng sâu đậm nhất của ông về Hà Nội không phải là xã hội thị dân đang sống bây giờ mà là hình ảnh về Hà thành của một thời đã xa - thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
“Khi đó, Hà Nội trật tự và người Hà Nội mang phong thái điềm đạm, lịch lãm hơn bây giờ. Phố Hà Nội hồi ấy đẹp với những gánh hàng hoa, nếp sinh hoạt chậm rãi, người Hà Nội thong dong ngắm phố. Nó khác xa với nhịp sống vun vút, phố xá bụi bặm, tắc nghẽn, con người chen lấn, xô đẩy nhau để sống như hiện nay,” Đỗ Phấn lắng lòng.
Đỗ Phấn đau đáu viết về Hà Nội với những mất-còn và lặng thầm khám phá đời sống đủ các sắc thái của người thị dân giữa đất Hà thành đang biến đổi từng ngày.
Ông khắc khoải với hình ảnh triền đê lộng gió, cầu Long Biên bảng lảng trong bóng chiều và đưa chúng vào những trang viết của mình. “Cũng như bao người con sinh ra ở mảnh đất kinh kỳ này những năm 50, 60 của thế kỷ trước, tuổi thơ của tôi gắn liền với bờ bãi sông Hồng và cây cầu lịch sử ấy,” Đỗ Phấn trải lòng.
Đừng mãi tiếc những ngói nâu, tường cũ
Ký ức ùa về, tác giả của “Dằng dặc triền sông mưa” hồi tưởng: “Hồi ấy, mỗi khi mượn được chiếc xe đạp, việc đầu tiên tôi làm là hộc tốc phóng sang cầu Long Biên, đắm chìm trong không gian bờ bãi sông Hồng. Để rồi, khi về, tôi thả xe trôi theo dốc Hàng Khoai, gió ùa vào mặt - một cảm giác mà bây giờ, tôi không thể tìm lại.”
Đỗ Phấn miên man trong những hồi ức. Ông bảo, bây giờ, Hà Nội khác xưa nhiều. Để qua sông Hồng, người ta có thể đi bằng bốn, năm cây cầu thay vì một chuyến đò như trước.
“Đó cũng là lẽ đương nhiên, những thay đổi tất yếu của một đô thị hiện đại để hội nhập, bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới,” ông nói, đôi mắt nhìn xa xăm, chòm râu bạc khẽ rung, người trùng xuống như cố giấu một nỗi buồn.
Đỗ Phấn cho rằng, người Hà Nội không nên quá tiếc nuối những ngói nâu, tường cũ. Đó là những thể thức kiến trúc, ghi dấu một thời kỳ lịch sử, mang trong mình những trầm tích thời gian. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, xét về mặt công năng, chúng không còn phù hợp.
“Chúng ta có nhiều cách để níu kéo, lưu giữ lại những hình ảnh ngói nâu, tường cũ ấy. Đó là hội họa với tranh vẽ của Bùi Xuân Phái hay với văn chương, những vẻ đẹp xưa cũ của Hà thành hiện lên qua những con chữ,” tác giả của 13 tựa sách về Hà Nội chia sẻ.
Người được gọi tên là “nhà văn Hà Nội” ấy bảo, trong sâu thẳm tâm hồn mình, ông mang nặng nỗi ưu tư những cảnh trí của một Hà Nội “cũ.” Tuy nhiên, lớn hơn điều tiếc nuối ấy là nỗi xót xa về sự đổi thay trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Với ông, vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội ánh lên qua những hàng cây, ngõ phố… Thế nhưng, quan trọng nhất, vẻ đẹp ấy thể hiện ở cách cư xử, vẻ thanh lịch trong giao tiếp của con người.
“Trong bối cảnh khác xưa, con người cũng phải mới lên để bắt kịp nhịp sống mới. Ở những trang viết của mình, tôi sẽ đi vào khai thác sự giằng co giữa một bên là ý thức gìn giữ truyền thống và một bên là thôi thúc đổi mới. Con người làm sao để sống tốt, để cân bằng hai trạng thái ấy? Trong quá trình tranh đấu đó, chắc hẳn, không ít người sẽ mang cảm giác ‘lạ phố, lạc phố’,” Đỗ Phấn chia sẻ./.
Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1980, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong thời gian từ 1980-1989, Đỗ Phấn giảng dạy tại khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tập truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” (Nhà xuất bản Trẻ, 2013) của ông vừa giành giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2014 ở hạng mục Văn xuôi.