Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng

Sự kiện sẽ trưng bày các tác phẩm cá nhân của họa sỹ Lê Thiết Cương, khai mạc vào tối ngày 12/3 và mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 4/4 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng ảnh 1

Triển lãm “Về Bến lạ” mang đến mười sáu bức tranh bột màu trên giấy dó bồi vải màn, bảy bức tranh sơn dầu trên toan và bảy tác phẩm từ gốm. Đây là cảm hứng sáng tạo của họa sỹ Lê Thiết Cương với các bài thơ trong cuốn sách “Bến lạ” của cố thi sĩ Đặng Đình Hưng.

Sự kiện do họa sỹ phối hợp tổ chức cùng l’Espace, Trung tâm văn hóa Pháp tại số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Theo họa sỹ, chỉ nên gọi các tác phẩm của ông là lấy cảm hứng từ thơ chứ không phải "minh họa thơ," bởi mỗi loại hình đều mang một ngôn ngữ riêng. Lê Thiết Cương ví von rằng, hội họa với thơ giống như “một người hàng xóm,” có cuộc sống độc lập, bởi vậy hội họa sẽ chết nếu “chỉ sống tầm gửi” vào thi ca.

Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng ảnh 2Tranh họa sỹ Lễ Thiết Cương vẽ từ các câu thơ ''Tôi đi đây, từ mỗi ngón tay rút ra 1 chiếc chìa khoá / chuông lách cách tra vào ổ khoá.'' (Ảnh: NVCC)

Những tác phẩm của họa sỹ Lê Thiết Cương trưng bày lần này được dựa trên cảm hứng từ một bài hoặc chỉ một câu thơ của tác giả Đặng Đình Hưng. Theo đó, ông muốn đưa lên tác phẩm của mình một đời sống khác cho bài thơ, đó là “một đời sống bằng hình màu mà chỉ hội họa mới tạo ra được..." và "tạo ra một văn bản thứ hai, một cách hiểu, một cách cảm nhận khác... cho thơ."

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Đặng Đình Hưng có một mối quan hệ đặc biệt. Với Cương, Đặng Đình Hưng là người Thầy chỉ dạy cả về thơ ca lẫn âm nhạc, văn chương và triết học, đồng thời khơi dậy ở người họa sỹ phong cách tối giản đặc trưng và thường thấy.

[NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh]

Trước đó, cũng tại nơi tổ chức triển lãm lần này, cuốn sách “Đặng Đình Hưng-Một bến lạ”- được làm để  kỷ niệm  30 năm ngày mất của nhà thơ-họa Đặng Đình Hưng - người được đánh giá là đã góp phần làm đa dạng tiếng Việt, bằng hình thức ngôn ngữ độc đáo, phá vỡ mọi khuôn phép.

Cuốn sách gồm 6 bài thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa, bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý và Nguyễn Thụy Kha.

Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng ảnh 3Họa sỹ Lê Thiết Cương (trái) và nhà thơ Đặng Đình Hưng (bìa phải).

Sinh thời, nhà thơ Đặng Đình Hưng là cán bộ tuyên huấn, là một nhạc sĩ, Đoàn trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương.

Ông là một nghệ sỹ tài danh, là chồng của nghệ sỹ piano Thái Thị Liên, cha của nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn và là bạn thân thiết với các nhạc sỹ Văn Cao, Hoàng Cầm.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục