Hòa mình vào âm nhạc, hoa văn thổ cẩm và nghệ thuật làm gốm Ba Na - Chăm

Với góc tiếp cận lấy con người làm trung tâm, chương trình Giới thiệu kết nối di sản tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã đưa gốm, âm nhạc, thổ cẩm ở Gia Lai, Ninh Thuận đầy sống động đến với khán giả Thủ đô.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 18, Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình Giới thiệu kết nối di sản, kéo dài từ ngày 1-7/12 năm 2023 tại khu Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chương trình là một hoạt động bên lề của Hội thảo Di sản Văn hóa sống và Phát triển Bền vững mà Hội đồng Anh triển khai, thuộc khuôn khổ dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều, nghiên cứu những cách dùng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Hoạt động này cũng đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.

Đây là hoạt động giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Ba Na và Chăm tại Gia Lai và Ninh Thuận. Các di sản văn hóa của hai cộng đồng này được chia sẻ tại chương trình, đặc biệt tập trung vào nghệ thuật làm gốm truyền thống, dệt thổ cẩm và trình diễn nhạc cụ. Thông qua các tư liệu đa phương tiện, chương trình giúp người xem khám phá các đặc điểm độc đáo của hai cộng đồng này, cũng như tinh thần gìn giữ các giá trị truyền thống thông qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của họ.

Tại đây, khán giả được hòa mình vào âm nhạc, hoa văn thổ cẩm và nghệ thuật làm gốm truyền thống của cộng đồng người Ba Na và người Chăm, đồng thời có cơ hội trải nghiệm thực hành các loại nhạc cụ truyền thống của hai cộng đồng này.

Trong khuôn khổ sự kiện, sáng ngày 2/12, chương trình giới thiệu di sản âm nhạc Ba Na được tổ chức tại Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Các loại nhạc cụ và văn hoá truyền thống của người Ba Na được giới thiệu như là cồng chiêng, múa xoang. Ngoài những nhạc cụ phổ biến, còn có các loại nhạc cụ gắn liền với đời sống và sinh hoạt của người Ba Na như đàn Ní, đàn K’ni, đàn Goong được làm bằng những vật liệu gần gũi có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, bầu khô. Những nhạc cụ này, tuy chế tác còn thô sơ, nhưng lại rất độc đáo về hình thức và âm thanh thể hiện. Vì thế mà âm nhạc dân gian của người Ba Na độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc.

Bên cạnh đó là những chia sẻ, hỏi đáp, những tiết mục biểu diễn đặc sắc đến từ các nghệ nhân thuộc cộng đồng người Ba Na và trải nghiệm thực hành dành cho khán giả.

Vào sáng ngày 3/12, buổi chia sẻ “Giới thiệu Âm nhạc Chăm” được tổ chức tại Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Khách tham quan được giới thiệu về những nhạc cụ truyền thống của người Chăm và được thực hành trải nghiệm với sự hướng dẫn của những thành viên thuộc cộng đồng người Chăm tham gia dự án./.

(Vietnam+)