Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ An Giang ứng phó với hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn

An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của biến đổi khí hậu điển hình là hạn hán, giông lốc và sạt lở bờ sông ngày càng khốc liệt.
Đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm với tỉnh An Giang. (Nguồn: baoangiang.com.vn)

Ngày 10/11, đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ do Đại tá Thomas Stevenson, Tùy Viên quốc phòng Hoa Kỳ, dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu và An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng cũng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu điển hình là hạn hán, giông lốc và sạt lở bờ sông ngày càng khốc liệt.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, nguyên nhân hạn hán tại An Giang do nguồn nước thiếu hụt từ thượng nguồn sông Mekong, nắng nóng kéo dài và lượng mưa thiếu hụt.

[Giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu]

Độ mặn từ cửa sông tỉnh Kiên Giang đã xâm nhập vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống tại hai huyện Thoại Sơn và Tri Tôn.

Bên cạnh hạn hán, xâm nhập mặn, An Giang còn đối mặt với cường độ sạt lở ngày càng tăng, mức độ thiệt hại ngày càng lớn; toàn tỉnh có 53 đoạn sông, kênh, rạch cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài gần 172.000m. Trong đó có sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 42 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ bình thường.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, nhấn mạnh: An Giang và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ trong thời gian qua đã có mối quan hệ tốt đẹp thông qua nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội, môi trường... các hoạt động hợp tác này đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quan hệ của hai nước.

“Để đối phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua An Giang đã áp dụng nhiều biện pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên nguồn lực địa phương có hạn, nên An Giang cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ. Quan điểm của An Giang là mong muốn cùng hợp tác với phía Hoa Kỳ vì lợi ích song phương thông qua những dự án cụ thể và thiết thực trong thời gian tới,” ông Thư chia sẻ.

Tại buổi làm việc, An Giang cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ tỉnh xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức và thực hiện mô hình thí điểm về quản lý sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nghiên cứu lập đề cương chi tiết dự án, báo cáo tiền khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định dự án “Hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kế sản xuất tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên dung tích dự kiến 144,7 triệu m3.”

An Giang cũng đề xuất với Hoa Kỳ hợp tác đầu tư 4 dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông trên địa bàn huyện An Phú, Tân Châu và 9 dự án cụm tuyển dân cư bố trí dân vùng thiên tại sạt lở; hỗ trợ lắp đặt thí điểm hệ thống cấp nước tập trung quy mô nhỏ để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 350 hộ dân xã An Hảo huyện Tịnh Biên; nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm và tự động trên địa bàn tỉnh...

Thay mặt đoàn công tác, Đại tá Thomas Stevenson nhấn mạnh trong chuyến công tác tại An Giang, đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ trao đổi với tỉnh An Giang để hiểu rõ hơn tình hình hạn hán, sạt lở và xâm nhập mặn trên địa bàn An Giang. Từ đó, phía Hoa Kỳ sẽ có các giải pháp hỗ trợ An Giang ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại tá Thomas Stevenson khẳng định thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ cử chuyên gia phối hợp với tỉnh An Giang khảo sát, đánh giá thực trạng dòng chảy đối với sông Mekong qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có cái nhìn toàn diện về thực trạng hạn hán, sạt lở và xâm nhập mặn trên địa bàn An Giang. Từ đó, phía Hoa Kỳ có thể đề xuất các giải pháp ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu mà tỉnh An Giang đang đối mặt.

Trong ngày 10/11, đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng với tỉnh An Giang đã có chuyến khảo sát tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh và khảo sát hồ trữ nước ngọt Trà Sư để có đánh giá trực quan về ảnh hưởng biến đổi khí hậu trên địa bàn An Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục