Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường điện cạnh tranh

Chiều 7/5, Vụ Năng lượng và Tài nguyên Hoa Kỳ và Cục Điều tiết điện lực đã ký kết biên bản ghi nhớ về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh cho Việt Nam.
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường điện cạnh tranh ảnh 1Đại diện Cục điều tiết Điện lực và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ký kết biên bản ghi nhớ phát triển thị trường điện cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiều 7/5, tại Hà Nội, Vụ Năng lượng và Tài nguyên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ENR) và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã ký kết biên bản ghi nhớ về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh nên vẫn còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực phục vụ cho công tác vận hành, do vậy, cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo tại Việt Nam.

Từ mô hình triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới, việc hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ sẽ giúp thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam vận hành đúng tiến độ, cũng như đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, giá cả minh bạch và nâng cao được hiệu quả hoạt động của các công ty điện ở Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ kỹ thuật này, Đại sứ Warlick - Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ERN - nhấn mạnh, việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh sẽ khuyến khách đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng, thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn và khuyến khích bảo tồn nguồn tài nguyên.

Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).

Từ ngày 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức. Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, qua gần 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả. Từ đó, tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài.

Tính đến hết năm 2014, có 55 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện, tăng 14,5% so với năm 2013. Dự kiến trong năm 2015, sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục