Trong bối cảnh số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCov) gây ra vẫn đang tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc, hàng chục nghìn người Trung Quốc ở nước ngoài đã nỗ lực hỗ trợ cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh tại quê hương.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 4/2, số người nhiễm virus 2019-nCoV ở nước này đã vượt qua con số 20.400 người và 426 trường hợp tử vong.
[Việt Nam đã ghi nhận trường hợp thứ 9 nhiễm virus corona]
Trước tốc độ lây lan nhanh của chủng virus mới này, khẩu trang y tế đã trở nên vô cùng khan hiếm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi Trung Quốc.
Ông Zhao Puzhou, 45 tuổi, quê quán ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, hiện đang sinh sống và làm ăn tại Campuchia, nói: "Sau khi biết tin về dịch bệnh ở quê hương, tôi bắt đầu nghĩ làm sao mình có thể đóng góp cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh ở Đại lục."
Ông Puzhou đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thương mại giữa tỉnh Chiết Giang và Campuchia đã chọn cách mua một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Campuchia để cung cấp khẩu trang liên tục cho quê nhà chứ không tìm mua khẩu trang ở nước ngoài.
Nhà máy này có công suất sản xuất 100.000 khẩu trang/ngày.
Khi đi vào hoạt động, khẩu trang của nhà máy sẽ được chuyển về Trung Quốc với giá 0,3 nhân dân tệ (khoảng 4,3 xu Mỹ)/chiếc.
Theo số liệu thống kê, người Trung Quốc gốc ở Chiết Giang đang sinh sống ở nước ngoài và họ hàng của họ đã tặng trên 130 triệu nhân dân tệ và vật dụng y tế trị giá 60 triệu nhân dân tệ cho chính quyền địa phương để hỗ trợ cuộc chiến phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, nhà cung cấp giải pháp năng lượng thông minh toàn cầu, CHINT, đặt trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, cũng tìm mua khẩu trang và bộ đồ bảo hộ y tế thông qua các văn phòng chi nhánh, đại lý và đối tác làm ăn của công ty trên toàn cầu.
Tính đến ngày 1/2, công ty đã đặt mua 2 triệu bộ vật dụng y tế trên toàn cầu, trong đó 293.000 bộ đã tới Trung Quốc.
Các nguồn cung hàng từ Nga, Nam Phi, Anh, Saudi Arabia và Tây Ban Nha cũng sẽ được gửi tới Trung Quốc trong thời gian tới.
Cũng như ông Zhao, anh Ye Wangyong, đứng đầu Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc tại Brazil, đã bay tới Sao Paulo và đặt 100.000 khẩu trang, 10.000 bộ đồ bảo hộ y tế và 10.000 đôi kính bảo vệ.
Anh nói: "Có những nhà tài trợ giúp chúng tôi chuyển miễn phí đồ dùng y tế này về Trung Quốc."
Trong khi đó, ông Ke Haixiao, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và phát triển văn hóa Trung Quốc-châu Âu, cho biết sau khi biết tình hình dịch bệnh lây lan tại Trung Quốc, nhiều người đã tích cực mua nhiều đồ hỗ trợ y tế và gửi về Vũ Hán.
Ví dụ, một nhóm ở Tây Ban Nha đã lái xe hàng trăm km để tìm một nhà máy sản xuất khẩu trang ở vùng nông thôn đặt mua khẩu trang.
Ông nhấn mạnh: "Không được phép chậm trễ trong cuộc chiến chống virus corona. Chúng tôi, những người Trung Quốc ở nước ngoài, có bổn phận sát cánh với Tổ quốc cùng chống dịch bệnh."
Họ nằm trong số hàng chục nghìn người Trung Quốc dù sinh sống xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng tâm về Tổ quốc với mong muốn góp phần công sức bé nhỏ của mình trong cuộc chiến dịch bệnh nguy hiểm chết người này./.